Nhân viên bức xạ phải được đào tạo an toàn bức xạ theo chương trình đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ đang tiến hành và được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ và chỉ được tiến hành công việc bức xạ sau khi được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ. Đây là ngành nghề có những rủi ro nhất định, do đó quy định pháp luật về chế độ, thời gian làm việc trong ngành nghề này cũng khác so với các ngành nghề thông thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết: Chế độ thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ.
Chế độ thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ
1. Nhân viên bức xạ là ai?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật năng lượng nguyên tử 2008 thì nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:
- Thực hiện quy định của pháp luật và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, hướng dẫn về an toàn phù hợp với mỗi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
- Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ khi tiến hành công việc bức xạ, khám sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn; từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;
- Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;
- Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.
Một cá nhân để được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.
2. Thời giờ làm việc
Theo quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 31/2007/TT-BKHCN ngày 31/12/2017, quy định:
a) Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn 02 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Nghề, công việc quy định tại Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là những nghề, công việc có mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ ion hóa cao do làm việc trực tiếp với nguồn phóng xạ hở, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ có cường độ lớn.
b) Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn 01 giờ đối với nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân khác quy định tại Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Nhân viên bức xạ không được phép làm thêm giờ. Trường hợp đặc biệt (như khắc phục sự cố, tai nạn nghiêm trọng), đơn vị sử dụng lao động được phép huy động nhân viên bức xạ làm thêm giờ, nhưng không quá 3 giờ trong một ngày.
3. Thời giờ nghỉ ngơi
Theo quy định tại khoản 2 mục II Thông tư số 31/2007/TT-BKHCN ngày 31/12/2017, quy định:
a) Nhân viên bức xạ ngoài thời giờ làm việc được rút ngắn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Mục II của Thông tư này thì còn được nghỉ ít nhất 30 phút nếu làm việc vào ban ngày và 45 phút nếu làm việc vào ban đêm, tính vào giờ làm việc.
b) Trong trường hợp nhân viên bức xạ được yêu cầu làm thêm từ 02 giờ trở lên trong ngày, trước khi làm thêm phải được bố trí nghỉ ít nhất 30 phút tính vào thời giờ làm thêm.
c) Số ngày nghỉ hàng năm của nhân viên bức xạ được tính như sau:
- Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 16 ngày làm việc.
- Nhân viên bức xạ làm nghề, công việc bức xạ, hạt nhân thuộc Nhóm 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được nghỉ hàng năm là 14 ngày làm việc.
4. Người phụ trách an toàn được đào tạo an toàn bức xạ thế nào?
Tại Điều 4 Thông tư 34/2014/TT-BKHCN quy định yêu cầu đối với đào tạo an toàn bức xạ cho người phụ trách an toàn như sau:
- Người phụ trách an toàn phải được đào tạo an toàn bức xạ theo chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho người phụ trách an toàn phù hợp với công việc bức xạ đang tiến hành và được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ cho người phụ trách an toàn.
- Định kỳ 03 năm một lần người phụ trách an toàn phải được đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ.
- Chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho người phụ trách an toàn được nêu trên phải bảo đảm yêu cầu về nội dung, thời gian đào tạo theo quy định và được thực hiện bởi tổ chức có giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ.
-. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải bảo đảm để người phụ trách an toàn được đào tạo an toàn bức xạ và chỉ bổ nhiệm người đã được đào tạo an toàn bức xạ theo đúng các yêu cầu quy định tại Điều này làm người phụ trách an toàn.
5. Chương trình đào tạo an toàn bức xạ có nội dung như thế nào?
Tại Điều 5 Thông tư 34/2014/TT-BKHCN quy định về nội dung của chương trình đào tạo an toàn bức xạ như sau:
- Nội dung chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ phải bao gồm đủ các bài giảng tương ứng với từng loại hình công việc bức xạ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BKHCN đồng thời phải được cập nhật các thông tin mới nhất tại thời điểm tổ chức đào tạo.
Trường hợp nhân viên bức xạ đã tham gia chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho một loại hình công việc bức xạ và có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ thêm cho loại hình công việc bức xạ khác sẽ phải tham gia học và kiểm tra đối với các nội dung không có trong chương trình đào tạo trước.
- Nội dung chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho người phụ trách an toàn bao gồm các bài giảng của chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ phù hợp với loại hình công việc bức xạ đang tiến hành tại cơ sở và các bài giảng bổ sung dành cho người phụ trách an toàn nêu tại Nội dung 14 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BKHCN.
Trên đây là các nội dung giải đáp của chúng tôi về Chế độ thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với nhân viên bức xạ. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như các bạn cần Công ty Luật ACC hướng dẫn các vấn đề pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận