Cán cân thanh toán quốc tế có vai trò quan trọng trong việc điều hành và quản lý nền kinh tế vĩ mô. Đây chính là một công cụ để thấy rõ được tiềm năng của nền kinh tế của một quốc gia. Cán cân thanh toán quốc tế được sử dụng để xác định sự thay đổi các dòng vốn nước ngoài. Vậy cán cân thanh toán quốc tế là gì? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Cán cân thanh toán quốc tế là gì?
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có mối quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là mối quan hệ về kinh tế. Các quan hệ này sẽ làm nảy sinh các dòng tiền. Các dòng tiền này được theo dõi, ghi chép một cách có hệ thống trong báo cáo tổng hợp, gọi là cán cân thanh toán quốc tế (the Balance of Payments - BOP).
Do đó có thể hiểu, cán cân thanh toán quốc tế là một bản báo cáo tổng hợp ghi chép những giao dịch kinh tế của một quốc gia với phần còn lại của thế giới trong một thời kỳ nhất định. Những giao dịch này có thể được tiến hành bởi các đối tượng cư trú trong nước hay chính phủ của quốc gia đó. Trong đó, đối tượng cư trú của một quốc gia là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thường trú lâu dài ở một nước và chịu sự kiểm soát của pháp luật nước đó.
2. Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế
Thông thường, cán cân thanh toán quốc tế bao gồm những bộ phận sau:
- Cán cân vãng lai (CA): phản ánh các khoản thu và chi mang tính thu nhập. Bản chất của cán cân vãng lai phản ánh tình hình thu chi từ chuyển giao quyền sở hữu về tài sản giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú. Cán cân vãng lại gồm 4 cán cân bộ phận: Cán cân thương mại, Cán cân dịch vụ, Cán cân thu nhập, Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều.
- Cán cân vốn (KA): phản ánh toàn bộ chỉ tiêu giao dịch kinh tế giữa người cư trú và người không cư trú về chu chuyển vốn trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào giấy tờ có giá, vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, chuyển giao vốn một chiều, các hình thức đầu tư khác làm tăng hoặc giảm tài sản có hoặc tài sản nợ. Cán cân vốn bao gồm: Cán cân vốn dài hạn, Cán cân vốn ngắn hạn, Chuyển giao vốn một chiều
- Cán cân tổng thể (OB): là cán cân bằng tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn.
- Cán cân bù đắp chính thức (OFB): phản ánh những thay đổi tài sản dự trữ chính thức do các giao dịch can thiệp của cơ quan chính phủ của một nước nhằm cân bằng tổng thể các giao dịch tư nhân và chính phủ. Các tài sản dự trữ bao gồm: vàng, quyền rút vốn đặc biệt (SDR), dự trữ trong IMF, ngoại tệ có khả năng chuyển đổi… Cán cân tổng thể của các quốc gia không ở trạng thái cân bằng, cán cân tổng thể có thể thặng dư (OB > 0) hoặc thâm hụt (OB < 0). Do vậy, cần được bù đắp bởi các tài sản dự trữ trên. Các hạng mục đó được gọi là cán cân bù đắp chính thức (Official Financing Balance - OFB). Khi cán cân tổng thể bị thâm hụt (-), ngân hàng trung ương cần bù đắp chính thức bằng cách tăng cung ngoại tệ bằng cách bán ngoại tệ, OFB (+). Ngược lại, khi cán cân tổng thể thặng dư (+), ngân hàng trung ương cần bù đắp chính thức bằng cách tăng cầu ngoại tệ bằng cách mua ngoại tệ, OFB (-)
- Khoản mục lỗi và sai sót (OM): áp dụng nguyên tắc hạch toán kép nên cán cân thanh toán quốc tế luôn được cân bằng. Tổng của cán cân tổng thể và cán cân bù đắp chính thức phải luôn bằng 0.
OB + OFB = O → OB = - OFB → CA + KA + OM= - OFB
→ OM = -(OFB + CA + KA)
Số dư của hạng mục lỗi và sai sót chính là độ lệch giữa cán cân bù đắp chính thức và tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn. Bởi vì, cán cân bù đắp chính thức, cán cân vãng lai và cán cân vốn luôn được xác định
3. Ý nghĩa của cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, bởi lẽ:
- Cán cân thanh toán quốc tế thể hiện tình trạng tài chính và kinh tế của quốc gia.
- Báo cáo cán cân thanh toán có thể được sử dụng như một tài liệu thống kê nhằm xác định xem giá trị tiền tệ của quốc gia đó đang tăng hay giảm.
- Dựa vào chỉ số cán cân thanh toán quốc tế, chính phủ của mỗi quốc gia có thể đưa ra các quyết định chính sách tài khóa và thương mại tối ưu nhất.
- Cán cân thanh toán cung cấp thông tin quan trọng để phân tích và hiểu các giao dịch kinh tế của một quốc gia với các quốc gia khác.
- Báo cáo cán cân thanh toán quốc tế cho chúng ta thấy được một bản đối chiếu giữa những khoản tiền thực tế thu được từ nước ngoài với những khoản tiền mà thực tế nước đó chi ra cho nước ngoài trong một thời kỳ nhất định cho phép chính phủ đưa ra các quyết sách về điều hành kinh tế vĩ mô như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách tỷ giá…
- Bằng cách nghiên cứu cán cân thanh toán quốc tế và các thành phần của nó, ta sẽ có thể xác định các xu hướng có thể có lợi hoặc có hại cho nền kinh tế của một quốc gia. Từ đó, đưa ra các giải pháp, chiến lược thích hợp.
Trên đây là tất cả thông tin về Cán cân thanh toán quốc tế là gì? mà ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu Quý đọc giả có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc. Trân trọng!
Nội dung bài viết:
Bình luận