Hiện nay loại thuế mà người sang tên sổ đỏ phải nộp là thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người sang tên sổ đỏ đều phải nộp loại thuế này, sẽ có hai trường hợp được miễn thuế theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó người sang tên sổ đỏ sẽ phải nộp một số loại phí. Hãy cùng ACC tìm hiểu về các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ.
Các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ
1. Thuế thu nhập cá nhân khi sang tên sổ đỏ?
Mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất được quy định như sau:
- Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 2% giá trị chuyển nhượng (theo Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
- Khi tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất: Theo điểm c khoản 1 và khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ quà tặng, thừa kế là quyền sử dụng đất (không có nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất) được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = Giá trị quyền sử dụng đất (căn cứ vào Bảng giá đất) x 10%
Lưu ý: Không phải ai nhận chuyển nhượng, tặng cho cũng phải nộp thuế.
Các bước sang tên sổ đỏ được quy định ra sao? Thời gian sang tên sổ đỏ là bao lâu? Mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết Hướng dẫn sang tên sổ đỏ
2. Các trường hợp được miễn thuế khi sang tên sổ đỏ?
2.1. Mua bán giữa người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa những người sau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể:
- Giữa vợ với chồng;
- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;
- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;
- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;
- Bố vợ, mẹ vợ với con rể;
- Ông nội, bà nội với cháu nội;
- Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;
- Anh chị em ruột với nhau.
Ngoài ra, trường hợp bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản đó thuộc diện được miễn thuế.
2.2. Người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, một thửa đất
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không phải nộp thuế (chỉ đất ở được miễn, các loại đất khác thì vẫn phải nộp thuế) Trong trường hợp này muốn được miễn thuế thu nhập cá nhân thì phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở
Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể:
- Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Cá nhân có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở còn có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khác không được miễn thuế.
- Trường hợp vợ chồng có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cũng là duy nhất của chung vợ chồng nhưng vợ hoặc chồng còn có nhà ở, đất ở riêng, khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở của chung vợ chồng thì vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng được miễn thuế; chồng hoặc vợ có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.
Điều kiện 2: Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 06 tháng
- Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.
- Thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp giấy chứng nhận.
Lưu ý: Riêng trường hợp được cấp lại, cấp đổi thì thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở được tính theo thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước khi được cấp lại, cấp đổi.
Điều kiện 3: Chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở
Trường hợp cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.
Trách nhiệm của cá nhân khi mua bán nhà đất:
- Nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do cá nhân chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm.
- Nếu phát hiện không đúng sẽ bị xử lý truy thu thuế và bị xử phạt vi phạm.
Như vậy, chỉ có 2 trường hợp được miễn thuế khi mua bán nhà đất. Để biết thêm các quy định về mua bán nhà đất. Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp miễn thuế theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
3. Ai phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về người nộp thuế thì thực hiện theo thỏa thuận đó.
- Nếu các bên không có thỏa thuận về việc người nhận chuyển nhượng nộp thuế thay thì người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân là người chuyển nhượng (người bán) theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
- Đối với hợp đồng tặng cho nhà đất nếu không có thỏa thuận thì người nhận tặng cho là người phải nộp thuế (vì là người có thu nhập).
Không đóng thuế hoặc chậm đóng thuế khi sang tên sổ đỏ có bị phạt không?
4. Loại phí phải nộp khi sang tên sổ đỏ?
* Phí trước bạ
Căn cứ Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP lệ phí trước bạ được tính như sau:
Trường hợp 1: Khi giá chuyển nhượng cao hơn giá nhà, đất của UBND cấp tỉnh quy định
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP trường hợp giá nhà, đất tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà cao hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là giá tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà (thường áp dụng khi chuyển nhượng - mua bán).
Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá chuyển nhượng
Trường hợp 2: Khi giá chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá nhà, đất của UBND cấp tỉnh quy định, khi tặng cho, thừa kế nhà đất.
* Mức nộp lệ phí với đất
Lệ phí trước bạ = 0.5% x Diện tích x Giá 01 m2 tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành
* Mức nộp lệ phí đối với nhà ở:
Lệ phí trước bạ = 0.5% x ( Diện tích x Giá 01 m2 x Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại))
Phí, lệ phí khác:
Ngoài ra, trong một số trường hợp phải nộp thêm một số khoản phí, lệ phí khác như: Phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận,…những khoản phí và lệ phí này do HĐND cấp tỉnh quy định (theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC) nên mỗi tỉnh, thành có thể có mức thu khác nhau. Đây cũng là một trong các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ.
5. Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân khi sang tên sổ đỏ
Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 03/BĐS-TNCN.
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân phù hợp với thông tin đã khai trên tờ khai thuế.
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu các công trình trên đất và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó.
- Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Đối với thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản, hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thay thế bằng bản sao giấy tờ pháp lý chứng minh quyền được nhận thừa kế, quà tặng.
- Tài liệu xác định đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Cách nộp và hạn nộp thuế thu nhập cá nhân khi sang tên sổ đỏ
Sau khi nộp hồ sơ khai thuế thì cơ quan thuế sẽ tính, in và gửi thông báo cho người nộp thuế. Căn cứ vào nội dung thông báo, người nộp thuế có nghĩa vụ nộp đủ số tiền và đúng thời hạn trên thông báo.
Quy định này được nêu rõ tại điểm đ khoản 3 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC, cụ thể: “Thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên Thông báo nộp thuế của cơ quan thuế”.
6. Mức phạt khi chậm nộp thuế thu nhập cá nhân
Có hai loại chậm nộp liên quan đến thuế khi chuyển nhượng nhà đất, gồm: Chậm nộp hồ sơ khai thuế và chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Căn cứ Điều 13 và khoản 1 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, nếu người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, khi chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì không bị xử phạt mà sẽ tính tiền chậm nộp.
Trên đây là các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ, bao gồm cách tính, hồ sơ, hạn nộp thuế khi sang tên sổ đỏ. Có thể nói các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ là điều kiện tiên quyết để có thể sang tên sổ đỏ. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu thật rõ các quy định của pháp luật, ACC luôn hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong quá trình xác định các loại thuế phí khi sang tên sổ đỏ.
Nội dung bài viết:
Bình luận