Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 hay còn gọi là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ra đời thay thế cho Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Để tìm hiểu Bộ luật gồm bao nhiêu phần, chương và điều, nội dung cơ bản của các phần là gì, hãy theo dõi bài viết dưới đây của ACC để giải đáp thắc mắc.
1. Cơ cấu của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có kết cấu gồm 9 phần, 36 chương và 510 điều. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có kết cấu gồm 8 phần, 37 chương, 346 điều. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tăng thêm 154 điều. Trong đó, bổ sung 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều. Về bố cục, tách chương quyết định việc truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để xây dựng thành một phần độc lập (Phần thứ ba: Truy tố); ghép phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm điều chỉnh trong một phần (Phần thứ tư: xét xử vụ án hình sự).
Nội dung cụ thể của từng phần trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
- Phần thứ nhất: phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, hiệu lực của Bộ luật Tố tụng hình sự (từ Điều 1 đến Điều 142).
- Phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự (từ Điều 143 đến Điều 235).
- Phần thứ ba: Truy tố (từ Điều 236 đến Điều 249).
- Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình tự (từ Điều 250 đến Điều 362).
- Phần thứ năm: Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án (từ Điều 363 đến Điều 369).
- Phần thứ sáu: Thủ tục xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (từ Điều 370 đến Điều 412)
- Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt (từ Điều 413 đến Điều 490).
- Phần thứ tám: Hợp tác quốc tế (từ Điều 491 đến Điều 508).
- Phần thứ chín: Điều khoản thi hành (Điều 509 và Điều 510).
2. Nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Phạm vi điều chỉnh: căn cứ vào quy định tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
Đối tượng điều chỉnh: Bộ luật Tố tụng hình sự điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Phương pháp điều chỉnh: Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam sử dụng hai phương pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đó là: phương pháp quyền uy và phương pháp phối hợp - chế ước.
- Phương pháp quyền uy: thể hiện ở quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với những người tham gia tố tụng. Các quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có tính chất bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân.
- Phương pháp phối hợp - chế ước: điều chỉnh mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Các cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp với nhau tiến hành các hoạt động của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Hiệu lực của Bộ luật Tố tụng hình sự: Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định tại Chương II Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể:
- Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.
- Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật.
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
- Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân.
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.
- Suy đoán vô tội.
- Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
- Xác định sự thật của vụ án.
- Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
- Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.
- Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra.
- Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hình sự.
- Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
- Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia.
- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Tòa án xét xử tập thể.
- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai.
- Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án.
- Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự.
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
- Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
- Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.
Thông qua các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự có thể thấy nội dung cơ bản của Bộ luật là quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết giới thiệu về nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nội dung bài viết có đề cập đến cơ cấu của Bộ luật Tố tụng hình sự, nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự có bao nhiêu điều, phạm vi, đối tượng và phương pháp điều chỉnh cũng như các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nếu trong quá trình tìm hiểu, quý bạn đọc còn có vấn đề thắc mắc cần giải đáp hay có nhu cầu quan tâm đến các dịch vụ do ACC cung cấp, vui lòng truy cập địa chỉ trang web: https://accgroup.vn/ để được tư vấn giải đáp thắc mắc chi tiết.
Nội dung bài viết:
Bình luận