Bộ luật hàng hải là Bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam. Vậy, bộ luật này có gì đặc biệt? Hãy cùng ACC tìm hiểu về Bộ luật Hàng hải Việt Nam trong phạm vi bài viết dưới đây.
1. Khái niệm Bộ luật Hàng hải Việt Nam
Bộ luật hàng hải (BLHH) là Bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005, Bộ luật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhiều quy định mới được ban hành, các điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết, gia nhập và thực tế hoạt động hàng hải có những thay đổi đòi hỏi BLHH Việt Nam phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động hàng hải, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành hàng hải nói riêng.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách này, được sự phân công của Quốc hội và Chính phủ, năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện BLHH Việt Nam.
Các quy định về chính sách phát triển hàng hải, tàu biển, thuyền viên, cảng biển, vận tải biển và dịch vụ thương mại, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng như việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và bảo hiểm hàng hải, cải cách thủ tục hành chính đã được đề cập trong 20 Chương và 341 Điều của Bộ luật, tăng 2 Chương và 80 Điều so với BLHH Việt Nam năm 2005, Bộ luật có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải nói riêng và kinh tế xã hội Việt Nam nói chung. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
2. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.
Đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi, cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể của Bộ luật này.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của Bộ luật này.
3. Đối tượng áp dụng
Bộ luật Hàng hải Việt Nam áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam.
4. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật
- Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến quyền sở hữu tài sản trên tàu biển, hợp đồng thuê tàu biển, hợp đồng thuê thuyền viên, hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, phân chia tiền công cứu hộ giữa chủ tàu cứu hộ và thuyền bộ của tàu cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm ở vùng biển quốc tế, các vụ việc xảy ra trên tàu biển khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch.
- Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật nơi tàu biển kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó.
- Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va, tiền công cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm xảy ra tại nội thủy hoặc lãnh hải của quốc gia nào thì áp dụng pháp luật của quốc gia đó.
Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến tai nạn đâm va hoặc cứu hộ xảy ra ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà Trọng tài hoặc Tòa án của quốc gia đầu tiên đã thụ lý giải quyết tranh chấp.
Trường hợp tai nạn đâm va xảy ra ở vùng biển quốc tế giữa các tàu biển có cùng quốc tịch thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch.
- Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hóa được trả theo hợp đồng.
Như vậy, trong bài viết này, ACC đã cung cấp tới quý độc giả những thông tin cần thiết liên quan đến Bộ luật hàng hải Việt Nam là gì? Tìm hiểu về bộ luật hàng hải. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ ngay với ACC để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nội dung bài viết:
Bình luận