Vi phạm hành chính là một trong những thuật ngữ chúng ta thường hay nhắc đến trong cuộc sống, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về thuật ngữ này cũng như các vấn đề pháp lý khác có liên quan. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số văn bản pháp luật để điều chỉnh chi tiết về vấn đề này cũng như quy định về mức phạt cụ thể khi có hành vi vi phạm hành chính xảy ra. Vậy bình luận luật xử lý vi phạm hành chính như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, sau đây, mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Vi phạm hành chính là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, vi phạm hành chính được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Dựa vào khái niệm nêu trên, có thể rút ra một số đặc điểm của vi phạm hành chính như sau:
- Thứ nhất, vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước
Hành vi trái pháp luật hành chính được thể hiện dưới dạng hành động (chủ thể thực hiện những hành vi bị pháp luật hành chính ngăn cấm) hoặc không hành động (chủ thể không thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính bắt buộc phải thực hiện).
Theo đó, sẽ không có vi phạm hành chính nếu không có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước.
- Thứ hai, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện
Lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất trong mặt chủ quan, thể hiện ý chí của người thực hiện. Lỗi trong vi phạm hành chính được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Trong đó:
– Lỗi cố ý thể hiện ở chỗ chủ thể nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Lỗi vô ý thể hiện ở chỗ chủ thể không nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hậu quả xảy ra.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi trái pháp luật phải có năng lực trách nhiệm hành chính.
- Thứ ba, vi phạm hành chính phải bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đặt ra khung pháp lý chung nhất cho việc xử lý vi phạm hành chính của chủ thể. Trong đó, Luật này đăt ra nguyên tắc xử lý vi phạm; các biện pháp xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với các chủ thể vi phạm; các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính;… Ngoài ra việc xử lý vi phạm hành chính còn được thể hiện trong các quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Hiểu đơn giản, Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính.
Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính:
- Cảnh cáo
- Phạt tiền
Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là văn bản do Quốc Hội ban hành vào ngày 20 tháng 6 năm 2012 quy định về việc Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
3. Bình luận luật xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013 là một trong những công cụ pháp lý quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai áp dụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, ngày 13/11/2020, Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn từ khi có hiệu lực, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 lại bộc lộ những vướng mắc, bất cập, tiếp tục gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến một số điểm như sau:
- Còn bỏ ngỏ quy định về yếu tố lỗi và và mức độ của hành vi vi phạm hành chính
Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính (về giải thích từ ngữ) quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính". Cho đến nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn chưa có quy định cụ thể về "yếu tố lỗi" trong vi phạm hành chính (lỗi cố ý, lỗi vô ý), đồng thời các khái niệm về mức độ của hành vi vi phạm hành chính (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…) vẫn còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng đối với "vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức" khiến cho cơ quan thực thi pháp luật lúng túng, khi không biết căn cứ theo quy định nào để xác định lỗi cố ý và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm hành chính. Đây là một trong những bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 vẫn chưa giải quyết được.
- Quy định về tình tiết giảm nhẹ còn chung chung, định tính
Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định có 8 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính, và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế. Ví dụ: "Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại" “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính”; “Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”; “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu”.
Do đó, khi căn cứ các quy định nói trên, cán bộ thực thi pháp luật thường có tâm lý “sợ sai” nên không áp dụng cho "an toàn", đồng thời dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.
- Quy định về thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi
Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt là làm khó cho cơ quan thực thi pháp luật. Bởi có những vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có những vụ việc xảy ra ở nơi khó khăn về đi lại, tiếp cận, thông tin liên lạc hạn chế (ở sâu trong rừng, địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết không thuận lợi...), việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, kiểm tra hiện trường, bảo vệ tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn giải người vi phạm, lập hồ sơ ban đầu vô cùng khó khăn, cần rất nhiều thời gian để thực hiện.
Với khối lượng công việc và những khó khăn nói trên, quy định 24 giờ phải chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền phạt là không khả thi, thậm chí một số cơ quan có thẩm quyền (có thể) vì không muốn tiếp nhận, xử lý nên lấy lý do "quá thời hạn 24 giờ" nhằm không tiếp nhận, xử lý vụ việc, dẫn đến quá thời hạn không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để lâu không được tịch thu, xử lý dẫn đến hư hỏng, suy giảm chất lượng.
- Quy định về "giá thị trường" để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn chưa cụ thể
Điểm b khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một trong những căn cứ xác định giá trị tang vật phương tiện vi phạm hành chính là "trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính". Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là "giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm" bởi trên thị trường tại địa phương nơi xảy vi phạm, cùng một loại sản phẩm, hàng hóa tương tự với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối lại có các mức giá khác nhau, điều này khiến cho cơ quan chức năng lúng túng về xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.
- Quy định niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thiếu tính thực tế
Khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài (làm phức tạp) quy trình xử lý đối với 01 vụ vi phạm hành chính.
- Thời hạn xử lý
Thời hạn xử lý đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện quá dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi không được xử lý kịp thời.
Điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện… Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý một vụ việc vi phạm hành chính, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính (đặc biệt là đối với động vật hoang dã dễ bị suy giảm, mất tập tính nếu không được sớm thả về môi trường tự nhiên); ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ (do phải chờ xử lý) gây tồn đọng, đầy ứ (trong khi điều kiện kho bãi của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế) và chi phí bảo quản tang vật (đặc biệt là các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với tang vật là động vật hoang dã) rất cao.
- Việc xử lý tịch thu đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dễ phát sinh khiếu nại về tài sản
Khoản 4a Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt”. Quy định trên chỉ áp dụng thuận tiện cho trường hợp tang vật, phương tiện VPHC đồng thời là tài sản của người vi phạm, nhưng đối với các tang vật, phương tiện VPHC không phải là tài sản của người vi phạm mà của người khác thì áp dụng quy định tại khoản 4a Điều 126 rất dễ phát sinh các khiếu nại về tài sản khi chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện biết được tài sản của mình bị tịch thu.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về vấn đề bình luận luật xử lý vi phạm hành chính, cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của ACC về bình luận luật xử lý vi phạm hành chính vui lòng liên hệ với chúng tôi bằng cách để lại bình luận hoặc liên hệ qua các thông tin dưới đây để được tư vấn và giải đáp một cách cụ thể nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận