Tương tự như biển số xe các tỉnh, thành trên toàn quốc, biển số xe Hải Dương được quy định tại Phụ lục số 02 về Ký hiệu biển số xe ô tô - mô tô trong nước Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA và Thông tư số 36/2010/TT-BCA. Theo đó, biển số xe tỉnh Hải Dương theo quy định có ký hiệu mã số đầu là 34.

Hải Dương là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương (hiện là đô thị loại I), cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía đông, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía tây.

Hải Dương có diện tích 1.662 km², là tỉnh có diện tích trung bình trong số các tỉnh thành ở Việt Nam, được chia làm 2 vùng: vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi nằm ở phía bắc của tỉnh, chiếm khoảng 11% diện tích tự nhiên gồm 13 phường xã thuộc thành phố Chí Linh và 18 phường xã thuộc thị xã Kinh Môn; là vùng đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng đồng bằng còn lại chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ trong năm.

Nơi đây là một trong những vùng đất "địa linh nhân kiệt", vùng văn hoá và văn hiến tâm linh chính của cả nước. Theo dòng lịch sử đã để lại cho Hải Dương 1.098 di tích lịch sử, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều di tích được xếp hạng đặc biệt như Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Không những vậy, Hải Dương cũng là miền đất sinh ra và gắn liền với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá như: danh nhân quân sự thế giới Trần Hưng Đạo, một trong mười tướng tài trên thế giới, vị anh hùng dân tộc Việt Nam với chiến công hiển hách - ba lần chiến thắng quân Nguyên; Danh sư Chu Văn An, nhà giáo tài đức vẹn toàn, lịch sử tôn ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất; danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, người có tầm tư tưởng vượt lên nhiều thế kỷ.

Hải Dương có nhiều di tích là nơi thờ thánh Nguyễn Minh Không như: Chùa Trông (Hưng Long - Ninh Giang); đình Cao Dương (đình Hói) ở làng Cao Dương xã Gia Khánh và đình Hậu Bổng (đình Bóng) tại thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc; động Kính Chủ ở phường Phạm Thái, đền Cao ở phường An Sinh, thị xã Kinh Môn.