1. Khái niệm
- Các biện pháp điều tra là: các biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án.
- Các biện pháp điều tra gồm: Khởi tố bị can; Hỏi cung bị can; Lấy lời khai người bị hại; người làm chứng; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Đối chất; Nhận dạng; Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật; Khám nghiệm hiện trường, tử thi, xem xét dấu vết, thực nghiệm điều tra; Trưng cầu giám định và định giá tài sản; Các biện pháp điều tra đặc biệt.
Biện pháp điều tra
2. Về khởi tố bị can và hỏi cung bị can.
- Khởi tố bị can (Điều 179): quy định về bổ sung chứng cứ, tài liệu để quyết định phê chuẩn, thời hạn phê chuẩn khi nhận chứng cứ, tài liệu, bổ sung. Điều 181- Tạm đình chỉ chức vụ của bị can đang đảm nhiệm: Bổ sung quyền kiến nghị tạm đình chỉ chức vụ của bị can đối với cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Về triệu tập bị can (Điều 182): bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có điểm mới đáng chú ý là: Giấy triệu tập bị can, ngoài việc phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt thì phải ghi thời gian làm việc và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; khi gửi giấy triệu tập, nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của bị can có đủ năng lực hành vi dân sự; quy định rõ trường hợp bị can vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.
- Về hỏi cung bị can (Điều 183): Điểm mới của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là trước khi hỏi cung bị can Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung; quy định rõ hơn các trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết; việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Về biên bản hỏi cung bị can (Điều 184): Quy định rõ, trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
3. Lấy lời khai người tham gia tố tụng như: Người làm chứng, người bị hại và các đương sự khác (từ Điều 185 đến Điều 188).
- Về triệu tập người tham gia tố tụng: Điểm mới của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đáng chú ý là, Giấy triệu tập phải ghi rõ mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; quy định rõ chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người tham gia tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng thực hiện nghĩa vụ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định rõ, trường hợp cần thiết Kiểm sát viên triệu tập người tham gia tố tụng để lấy lời khai.
- Về lấy lời khai người tham gia tố tụng: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định Điều 66 của Bộ luật này, về quan hệ của họ với bị can, bị hại; bổ sung quy định “trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai”.
4. Về đối chất (Điều 189):
- Bộ luật TTHS 2015 đã quy định cụ thể về hoạt động đối chất, trong đó có trách nhiệm của Kiểm sát viên.
- Về căn cứ để đối chất: Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn.
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định cụ thể:
+ Khoản 1 Điều 189 quy định căn cứ để đối chất và kiểm sát việc đối chất là, trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người “mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn”thì Điều tra viên tiến hành đối chất; trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
+ Khoản 2 Điều 189 bổ sung quy định: “Trước khi đối chất”, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng hoặc bị hại tham gia để cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.
+ Khoản 3 Điều 189 bổ sung quy định về nội dung, cách thức hỏi đối chất cụ thể, rõ ràng hơn, đó là “trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan”.
+ Khoản 4 về hình thức lập biên bản, đã bổ sung thêm nội dung “Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.
5. Về nhận dạng (Điều 190):
- Cũng như hoạt động đối chất, BLTTHS 2015 quy định “trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng”;
- Khoản 2 Điều 190 quy định khi nhận dạng thì “người làm chứng, bị hại hoặc bị can, người chứng kiến” phải tham gia. Đây là quy định mới, bắt buộc Kiểm sát viên cần lưu ý khi tiến hành kiểm sát.
6. Về nhận biết giọng nói (Điều 191):
Đây là quy định mới của BLTTHS năm 2015, bổ sung thêm nguồn chứng cứ, quy định cụ thể cách thức tiến hành, những người phải tham gia việc nhận biết giọng nói (khoản 2), điều cấm khi tiến hành nhận biết giọng nói (không được đặt câu hỏi gợi ý)...
7. Về hoạt động khám xét; thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu (các Điều 192-200):
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các hoạt động khám xét khi tiến hành điều tra cụ thể hơn, rõ ràng hơn, cũng như bổ sung kịp thời quy định còn thiếu là khám xét phương tiện; dữ liệu điện tử, quy định 01 điều mới về Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 196). Về thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Viện kiểm sát thực hiện phê chuẩn sau khi thu giữ trong trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ của Cơ quan điều tra.
8. Về giám định:
- Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cụ thể về, giám định, trưng cầu giám định, người có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định, các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định…. Một số điểm mới trong công tác giám định được quy định như sau:
Thứ nhất, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định (Điều 205 đến Điều 215).
Thứ hai, Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện trong quá trình chứng minh vụ án (Điều 206).
- Thứ ba, Bộ luật TTHS năm 2015 phân nhóm hợp lý các vấn đề cần trưng cầu và quy định thời hạn giám định cho từng nhóm (Điều 206 và Điều 208).
- Thứ tư, Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng (Điều 207).
- Thứ năm, xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định; theo đó, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 07 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng (các điều 205, 213, 222).
- Thứ sáu, để bảo đảm tính khách quan, Bộ luật quy định cụ thể thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại (Điều 210 và Điều 211).
- Thứ bảy, Bộ luật TTHS năm 2015bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định; theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án (Điều 212).
- Những sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ tháo gỡ căn bản những vướng mắc trong công tác giám định. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm cao hơn cho cơ quan tố tụng và cơ quan giám định phải phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm nguyên tắc kịp thời, chính xác, tiết kiệm trong tố tụng hình sự.
9. Về định giá tài sản:
- Đây là quy định mới và là hoạt động thu thập chứng cứ của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể, chi tiết hơn về thời hạn định giá (Điều 216); quy định về định giá lại (Điều 218); Về định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn (Điều 219), ây là những cơ sở pháp lý để giải quyết các trường hợp vì lý do khách quan mà đối tượng cần xác định giá không hiện hữu, trong trường hợp này việc định giá được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
- Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một chương mới (Chương XVI) quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
- Về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát điều tra của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các biện pháp điều tra. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định:
- Thứ nhất, quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt khi CQĐT tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét (quy định tại các điều 189, 190, 191, 193, 201, 202, 204).
- Thứ hai, quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra vi phạm pháp luật (Điều 183).
- Thứ ba, để kiểm sát kịp thời, đầy đủ hoạt động điều tra, Bộ luật quy định: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho cơ quan điều tra (Điều 88)./.
Nội dung bài viết:
Bình luận