Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa 

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một thuật ngữ nhằm gọi tên một nền văn học của một quốc gia, một dân tộc tồn tại với tư cách là văn học chính thống dưới một chính thể mà Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất cầm quyền, hoặc dùng để gọi tên một bộ phận, một dòng văn học, một khuynh hướng văn học gắn với ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản ở các nền văn học dân tộc khác, đồng thời còn gọi tên một phương pháp sáng tác với tư cách là nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật ra đời vào thế kỷ XX.
Sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là quá trình khái quát từ thực tiễn sáng tác của một phương pháp nghệ thuật vốn tồn tại trước đó rất lâu, qua một số tác phẩm, đến sáng tác của một số tác giả, tạo thành một trào lưu mạnh mẽ, được các nhà sáng tác và lý luận tìm tòi, khái quát nên.

Nguyên lý tính đảng cộng sản

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ thống nghệ thuật mới mang tính cách tân, nó kế tục truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của nghệ thuật quá khứ, đồng thời kết hợp truyền thống đó với nội dung xã hội chủ nghĩa, một nội dung hoàn toàn mới, là đóng góp  mà chủ nghĩa Marx sáng tạo, bổ sung vào triết học duy vật, khẳng định vai trò của hoạt động cải tạo cách mạng, nhằm thay đổi hiện thực. Cơ sở xã hội và ý thức của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và học thuyết mác xít. Năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do Marx và Engels soạn thảo được công bố, đánh dấu chủ nghĩa Marx chính thức ra đời, và giai cấp công nhân từ chỗ là một giai cấp tự phát trở thành một giai cấp tự giác, thì những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng đã xuất hiện trong văn học Tây Âu. Ngọn nguồn của nền văn học nghệ thuật kiểu mới này, được xem là bắt đầu từ thơ ca công xã Paris (1871), với những tên tuổi như E. Pottier (1816 – 1887), tác giả của bài thơ Quốc tế được phổ nhạc thành Quốc tế ca và các tác giả khác như L. Michel (1830 – 1905)
Sau khi công xã Paris bị dìm trong bể máu, các nhà sáng lập ra nền triết học mới là Marx và Engels lần lượt qua đời, chủ nghĩa Marx bị Đệ nhị quốc tế xuyên tạc, phong trào công nhân còn non yếu và dần dần đi đến thoái trào. Trung tâm của cách mạng vô sản đã chuyển từ Tây sang Đông, từ Paris sang Pêterbour. Chủ nghĩa Marx đã được Lenine vận dụng vào thực tiễn của cách mạng và phong trào công nhân, trở thành chủ nghĩa Marx – Lenine, với bước nhảy vọt làm ngỡ ngàng lịch sử châu Âu, đó là sự kết hợp giữa phong trào công nhân và chủ nghĩa Marx, bằng cách thành lập một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân – Đảng cộng sản bônsêvic Nga. Nguyên lý tính đảng ra đời trên cơ sở ý thức tự giác của một tổ chức, là cơ sở triết học kết tinh của cơ sở xã hội và ý thức hệ, nó trở thành linh hồn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng giống như nguyên tắc lịch sử – cụ thể của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX trước đó.
Nguyên tắc tính đảng chỉ có thể xuất hiện khi phong trào công nhân đã có một chính đảng lãnh đạo, nó trở thành ý thức tự giác trong mọi họat động của tư tưởng và hành động, nó thấm nhuần trong sáng tạo nghệ thuật, từ bình diện thẩm mỹ của thời đại thể hiện trong thực tại khách quan, đến tình cảm chủ quan của tác giả đã thấm đẫm trong tác phẩm, tạo thành một trào lưu nghệ thuật mạnh mẽ. Với trào lưu văn học, không chỉ dừng lại ở tác giả sáng tác và lý luận phê bình, ở tổ chức nhà văn mà còn liên quan đến cơ quan ngôn luận, xuất bản, phát hành,… tất cả đều phải thấm nhuần tính đảng, tuyệt đối chịu sự lãnh đạo của Đảng. Lenine yêu cầu: “Báo chí phải là những cơ quan của các tổ chức Đảng.

Nhân vật lý tưởng

Tái hiện thực tại đấu tranh và xây dựng một thế giới mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhân vật lý tưởng là nhân vật tích cực – nhân vật chính diện, xây dựng hình tượng con người mới, người chiến sĩ đấu tranh và sáng tạo ra thế giới mới xã hội chủ nghĩa, được xem là nội dung chủ yếu của văn học xã hội chủ nghĩa. Trong yêu cầu của Engels đối với chủ nghĩa hiện thực cũng đã đòi hỏi dành một vị trí cho hình ảnh những người công nhân cách mạng. Nhân vật trung tâm trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là hình tượng sống động những con người mới giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tiểu thuyết Người mẹ được coi là mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, là bởi vì lần đầu tiên trong văn học thế giới, M. Gorki đã tái hiện một cách chân thực hình tượng một nhân vật kiểu mới, một người vô sản có ý thức cách mạng tự giác cao độ. Chức năng chân chính của văn học được soi sáng thông qua nhân vật lý tưởng, cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, đó là Paven Vlaxov, một hình tượng điển hình cho người công  nhân bônsêvic tiên tiến, người tổ chức, lãnh đạo quần chúng vươn lên trên con đường cách mạng.

Đặc điểm nghệ thuật

Về phương diện nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa coi trọng và kế thừa chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, xác định phương tiện nghệ thuật chủ yếu là sự miêu tả giống như thực “trong những dạng thức của bản thân đời sống”. Nguyên tắc điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực gần như kế thừa trọn vẹn “tái hiện một cách chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Tính cách có sự hài hoà giữa cái riêng có ý nghĩa cụ thể và cái chung có ý nghĩa khái quát, có sự phong phú đa dạng, gắn nó và luôn phát triển trong hoàn cảnh điển hình. Phải phục tùng và tôn trọng sự phát triển logic nội tại của tính cách, do đó không thể không có kiểu “nhân vật nổi loạn” như chủ nghĩa hiện thực thể kỷ XIX. Cái khác so với nguyên tắc điển hình của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX là tính cách và hoàn cảnh được nâng cao ở cấp độ chất lượng mới và trong chiều hướng vận động phát triển của nó: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi điển hình hoá cao độ”. Bởi vì, “điển hình trong nghệ thuật là những nét, những tính cách cơ bản nhất, bản chất nhất, quan trọng và nổi bật nhất trong trong đời sống xã hội được tập trung biểu hiện và nâng cao qua sự sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng chung quy nó vẫn là cuộc sống”
“Miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng của nó”, nghĩa là miêu tả cuộc sống trong mối tương quan cái mới chiến thắng hoặc có khả năng và triển vọng chiến thắng cái cũ. Sở dĩ như thế là vì các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhãn quan duy vật biện chứng, nhìn thấy được quy luật phát triển của đời sống. Nhìn thấy những cái hiện tồn đang trị vì, lấn át nhưng đã chứa đựng mầm móng của sự thoái hoá, nên có thể dự cảm đựơc quá trình suy vong của nó. Người ta nói rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có đến “ba thực tại” là quá khứ, hiện tại và tương lai. Tương lai mà họ nhìn thấy không phải bao giờ cũng thắng lợi rực rỡ, mà trong sự mất mát, hi sinh, có thể nhận ra xu thế của thắng lợi tất yếu. Chính phương thức này là sự dung nạp những thủ pháp của chủ nghĩa lãng mạn, gắn liền với cảm hứng anh hùng trong chiến đấu và lao động xây dựng cuộc sống mới. Kết thúc tiểu thuyết Người mẹ là sự thất bại của nhóm hoạt động cách mạng, Paven và các đồng chí của mình bị đày đi Xibir, bà mẹ bị cảnh sát Nga hoàng bắt giam. Nhưng kinh nghiệm đấu tranh của nhóm hoạt động cách mạng sẽ soi sáng cho hàng triệu quần chúng đứng lên đấu tranh và giành thắng lợi cuối cùng. Trước toà án của giai cấp thống trị, lời lẽ đanh thép của Paven không những lên án chế độ độc tài chuyên chế, mà còn khẳng định nhiệm vụ và tiền đồ cách mạng mà anh và các đồng chí của anh đang thực hiện. Ý chí sắt đá, niềm tin về phía tương lai, thái độ ung dung lạc quan của Paven, mấy câu nói cuối cùng của bà mẹ, xu thế hiện thực của tác phẩm đã được dự báo, làm cho viễn cảnh của cách mạng như có thể thấy, như đang sắp diễn ra. Yếu tố lãng mạn cách mạng là xu thế tất yếu, tuy chưa có nhưng có thể có hoặc sẽ có. Khác với chủ nghĩa lãng mạn về chất, tuy biểu hiện những ước mơ rất đẹp có thể an ủi được con người, nhưng cũng không bao giờ có. Cũng khác với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX là hoàn cảnh được miêu tả vận động theo quá trình cách mạng, nên tính cách cũng phát triển tương ứng.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (1181 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!