Quyền chủ quyền là gì? (cập nhật 2024)

 

Chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo nói chung, Biển đảo Việt Nam nói riêng là hai khái niệm pháp lý được quy định trong pháp luật về biển của các quốc gia ven biển trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước 1982, tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea, hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982), được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica (tính đến nay, số quốc gia ký là 157). Luật Biển của nước ta được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (gọi là Luật Biển năm 2013) đã quy định về chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo nước ta.

Chủ quyền là gì? (Cập nhật 2022)

Quyền chủ quyền

1.Quyền chủ quyền là gì?

Theo quan điểm pháp lý quốc tế thì quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, mang tính chất chủ quyền.

2. Ý nghĩa về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển

Thứ nhất, trong các nội dung của Luật Biển Việt Nam, nội dung quy định phạm vi các vùng biển Việt Nam thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc nhấn mạnh và quy định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa là những nội dung rất quan trọng của Luật Biển Việt Nam mà cả trong nước và quốc tế đều hết sức quan tâm. Hai nội dung đó trong Luật Biển Việt Nam thể hiện khá đầy đủ, cho biết phạm vi vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được xác định như thế nào và quy chế pháp lý của các vùng biển đó cụ thể ra sao.

 

Thứ hai, Luật Biển Việt Nam đã quy định rõ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn trong Biển Đông. Dựa theo nguyên tắc đó, đã từng đàm phán thành công với một số quốc gia ven biển có liên quan, chẳng hạn việc đàm phán và ký kết với Trung Quốc về phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ - một hiệp ước điển hình cho quá trình áp dụng Công ước, điển hình cho giải quyết các vùng chồng lấn. Chúng ta duy trì hình thức đó để đàm phán giải quyết các vùng chồng lấn bằng đàm phán hòa bình, để đi tới giải pháp công bằng mà mỗi bên có thể chấp nhận và nhất thiết dựa trên Công ước.

 

Các bên muốn giải quyết vấn đề thì rõ ràng không thể dựa vào yếu tố khác ngoài Công ước. Bất kỳ một ai trong đàm phán đưa ra tiêu chuẩn khác với Công ước sẽ dẫn tới sự phức tạp kéo dài và tranh chấp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta phải nhắc lại điều đó một cách dứt khoát, nếu giải quyết tranh chấp trên biển – một tranh chấp quan trọng là xác định vùng chồng lấn là phải dựa trên Công ước.

 

Ngoài ra, còn có các tranh chấp khác về đánh cá, thăm dò, khai thác, bảo vệ môi trường tài nguyên trên các vùng biển do các hoạt động qua lại của tàu thuyền thì các bên phải ngồi với nhau, hoặc đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế mà Công ước đã quy định. Giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tài phán là một biện pháp hòa bình, văn minh, có tính văn hóa.

 

Nếu xảy ra tranh chấp mà các bên không thể tự giải quyết được thì phải nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế để xem xét xử lý đúng sai. Nếu có ai đó không muốn đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán khi không thể giải quyết được thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương thì rõ ràng họ muốn đi vào ngõ cụt và gây ra những xung đột không cần thiết. Luật Biển Việt Nam đã khẳng định lập trường nhất quán đó của Việt Nam. Điều đó nói lên thiện chí và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý mọi tranh chấp trên biển.

 

Thứ ba, Luật Biển Việt Nam đề cập chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù Công ước không nói đến giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, điều quan trọng và rất phù hợp với Công ước này là trong Luật Biển Việt Nam có nói đến các đảo, quần đảo và hiệu lực của các đảo và quần đảo trong xác định các phạm vi các vùng biển của chúng; trong đó, có nội dung đã được khẳng định là với những đảo nhỏ, không thích hợp với môi trường sinh sống của con người và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phản đối những nước đưa ra bất kỳ quy định nào trái với Công ước và đi ngược lại các quy định chung quốc tế nhằm hợp thức hóa yêu sách biên giới biển đầy tham vọng của họ trên Biển Đông.

 

Luật Biển Việt Nam đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này thông qua biện pháp hòa bình theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

 

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự là nguyên tắc cơ bản được áp dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam là nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi các đảo đó còn là vô chủ. Việc thực hiện chủ quyền là rõ ràng, liên tục, hòa bình, đó là nguyên tắc được quốc tế thừa nhận áp dụng rộng rãi trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

 

Chúng ta rất sẵn sàng đàm phán. Các nhà nước Việt Nam trước đây đã nêu lên và hiện nay chúng ta cũng sẵn sàng làm. Trong Luật Biển Việt Nam đã khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan đàm phán giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Đó là thiện chí của Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam đã triển khai thành công thiện chí đó, bởi vì các bên đều tôn trọng sự thật khách quan, có thiện chí và cầu thị khi tiến hành đàm phán.

3. Chủ quyền vùng biển của Việt Nam

Công ước 1982 quy định: Nội thủy là các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải. Theo quy định tại Điều 3 của Công ước 1982, chiều rộng lãnh hải không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. "Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale). Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này" (Phần II, Điều 2).

Trên cơ sở đó, Luật Biển năm 2013 quy định chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải, đồng thời nêu rõ:

  1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
  2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
  3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam" (Điều 12).

4. Quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của vùng biển Việt Nam

Đối với Vùng Tiếp giáp lãnh hải, Công ước 1982, khoản 2 Điều 33 (Phần II) xác định: Vùng Tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. 

Căn cứ Công ước 1982, Luật Biển năm 2013 quy định: Vùng Tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải (Điều 13). Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 (quy định về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế) của Luật này đối với vùng Tiếp giáp lãnh hải. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng Tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam (Điều 14).

Công ước 1982 quy định Vùng Đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải (Điều 55, Phần II). Vùng Đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 57, Phần II).

Căn cứ quy định của Công ước 1982 về các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng Đặc quyền về kinh tế, Điều 16 Luật Biển Việt Nam xác định chế độ pháp lý của vùng Đặc quyền kinh tế như sau:

Một là, a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

Hai là, Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Ba là, tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Bốn là, các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 (quy định về thềm lục địa) và Điều 18 (quy định về chế độ pháp lý của thềm lục địa) của Luật này.

Điều 17 Luật Biển năm 2013 căn cứ Điều 76 Công ước 1982 quy định: Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét. 

Phần VI (từ Điều 76 đến Điều 85) của Công ước 1982 quy định về Thềm lục địa, trong đó nêu rõ: Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào (Điều 76, Phần VI).

Căn cứ nội dung quy định này, tại Điều 18 Luật Biển Việt Nam nêu rõ:

  1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.
  2. Quyền chủ quyền quy định tại khoản 1 Điều này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.
  3. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.
  4. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
  5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

 

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (629 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo