Quỹ từ thiện là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập với mục đích quyên góp tiền, tài sản từ những người hảo tâm để giúp đỡ những người gặp rủi ro hoặc khó khăn trong cuộc sống. Vậy Quỹ từ thiện là gì? Điều kiện và thủ tục thành lập Quỹ từ thiện như thế nào? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Quỹ từ thiện là gì?
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Trong đó, không vì mục tiêu lợi nhuận được hiểu là lợi nhuận có được trong quá trình hoạt động không để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ của quỹ đã được công nhận. (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP).
2. Điều kiện cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện
Để được cấp phép thành lập, quỹ từ thiện phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 10 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Điều kiện 1: Có mục đích hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cụ thể:
Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
* Điều kiện 2: Có sáng lập viên thành lập quỹ bảo đảm quy định tại Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, bao gồm:
+ Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam.
(i) Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
(ii) Đối với tổ chức: Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ.
Trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam.
+ Đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP như tiền đồng Việt Nam, tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam, tài sản đóng góp thành lập quỹ,...
+ Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.
* Điều kiện 3: Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.
* Điều kiện 4: Hồ sơ thành lập quỹ đảm bảo theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.
3. TRÌNH TỰ THỦ TỤC THÀNH LẬP QUỸ TỪ THIỆN
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Hồ sơ thành lập quỹ từ thiện gồm:
– Đơn đề nghị thành lập quỹ;
– Dự thảo điều lệ quỹ;
– Tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ.
– Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên ban sáng lập quỹ.
– Các tài liệu khác kèm theo nếu có :
+ Sáng lập viên thành lập quỹ.
+ Công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ.
+ Thành lập quỹ theo di chúc hoặc yêu cầu của người hiến tặng tài sản thông qua hợp đồng ủy quyền.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận hồ sơ
– Khi tiếp nhận hồ sơ về quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập phiếu tiếp nhận hồ sơ để làm căn cứ xác định thời hạn giải quyết.
– Nội dung phiếu tiếp nhận hồ sơ gồm:
+ Ngày, tháng, năm và phương thức tiếp nhận;
+ Thông tin về hồ sơ;
+ Thông tin bên gửi, bên nhận.
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ
– Chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.
– Trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trên đây là quy định về Quỹ từ thiện là gì? Điều kiện và thủ tục thành lập quỹ từ thiện mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!
Nội dung bài viết:
Bình luận