Những điều cần biết về hợp đồng ủy quyền có thù lao

Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng dân sự thông dụng theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng ủy quyền gồm hai loại là hợp đồng ủy quyền không có thù lao và hợp đồng ủy quyền có thù lao. Vậy, cần lưu ý gì khi lập hợp đồng ủy quyền có thù lao? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Hợp đồng ủy Quyền
Những điều cần biết về hợp đồng ủy quyền có thù lao

1. Hợp đồng ủy quyền có thù lao là gì?

  • Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền có thù lao là văn bản ủy quyền trong đó người ủy quyền và người được ủy quyền thỏa thuận để người được ủy quyền đại diện cho người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc nào đó và người ủy quyền có nghĩa vụ trả thù lao cho người được ủy quyền.
  • Như vậy, hợp đồng ủy quyền có thù lao (hợp đồng ủy quyền có đền bù) là một dạng của hợp đồng ủy quyền nhưng với đặc điểm đặc trưng là người ủy quyền phải trả thù lao cho người được ủy quyền. Đa số những công việc trong loại hợp đồng này là những công việc mang tính chất phức tạp hoặc các công việc mang lại lợi nhuận cho người ủy quyền ví dụ như ủy quyền bán nhà đất, ủy quyền bán xe,...

2. Có bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền có thù lao không?

  • Hiện nay, hợp đồng ủy quyền có thù lao không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ các trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng hợp đồng ủy quyền. Như vậy, khi lập hợp đồng ủy quyền có thù lao, các bên nên kiểm tra các quy định pháp luật có buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền hay không. Nếu trường hợp pháp luật không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền thì tùy vào nhu cầu của người ủy quyền và người được ủy quyền mà hai bên có thể lập hợp đồng ủy quyền có thù lao không có hoặc có công chứng hoặc chứng thực.
  • Theo đó, công chứng hợp đồng ủy quyền có thù lao là thủ tục do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền có thù lao về cả mặt hình thức (thời gian, địa điểm, chủ thể giao kết hợp đồng) và nội dung của hợp đồng (không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội) quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014.
  • Khác với công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền có thù lao là thủ tục do người thực hiện chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người thực hiện chứng thực chứng thực về mặt hình thức của hợp đồng ủy quyền có thù lao (thời gian, địa điểm, chủ thể giao kết hợp đồng) quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
  • Lưu ý: Người ủy quyền và người được ủy quyền đều phải có mặt khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền không có thù lao.
  • Khi lựa chọn công chứng hay chứng thực hợp đồng ủy quyền có thù lao, các bên thỏa thuận mong muốn chứng nhận cả về mặt hình thức và nội dung hợp đồng hay chỉ mong muốn chứng nhận về mặt hình thức của hợp đồng. Từ đó, các bên lựa chọn thủ tục công chứng hay chứng thực phù hợp với nhu cầu.

3. Giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền có thù lao đã được công chứng, chứng thực

  • Như đã phân tích tại Mục 2, thủ tục công chứng, chứng thực là hai thủ tục hoàn toàn khác nhau nên giá trị pháp lý của chúng đối với hợp đồng ủy quyền có thù lao cũng khác nhau, cụ thể:
  • Hợp đồng ủy quyền có thù lao được công chứng có giá trị chứng cứ mà theo đó, các tình tiết, sự kiện trong hợp đồng ủy quyền không phải chứng minh trừ trường hợp hợp đồng ủy quyền đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng 2014. Như vậy, hợp đồng ủy quyền có thù lao được công chứng thì có giá trị chứng cứ không phải chứng minh khi các bên trong hợp đồng ủy quyền có thù lao có tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng và khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, một trong các bên nếu có căn cứ chứng minh được việc công chứng hợp đồng ủy quyền có thù lao đã vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng ủy quyền có thù lao được công chứng vô hiệu. Lúc này, khi khởi kiện ra Tòa án thì các bên phải chứng minh về các tình tiết, sự kiện trong hợp đồng ủy quyền có thù lao.
  • Hợp đồng ủy quyền có thù lao đã được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm mà các bên tham gia trong hợp đồng ủy quyền có thù lao đã ký kết; về chủ thể năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia trong hợp đồng ủy quyền có thù lao quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Như vậy, hợp đồng ủy quyền có thù lao đã được chứng thực thì có giá trị chứng cứ chứng minh về mặt hình thức của hợp đồng (chủ thể, địa điểm, thời gian ký kết hợp đồng), không có giá trị chứng cứ chứng minh về mặt nội dung của hợp đồng (có vi phạm pháp luật hay trái đạo đức xã hội hay không). Trong trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra và khởi kiện ra Tòa án thì các bên phải có nghĩa vụ chứng minh về nội dung của hợp đồng ủy quyền có thù lao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

4. Ủy quyền lại trong hợp đồng ủy quyền có thù lao

  • Căn cứ Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015, người được ủy quyền có quyền ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện hợp đồng ủy quyền có thù lao khi thuộc một trong trường hợp sau đây:

(1) Có sự đồng ý của người ủy quyền;

(2) Do sự kiện bất khả kháng mà nếu người được ủy quyền không thực hiện ủy quyền lại thì mục đích xác lập, việc thực hiện các công việc vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

  • Như vậy, người được ủy quyền chỉ được thực hiện ủy quyền lại cho người thứ ba thay người được ủy quyền thực hiện các công việc trong hợp đồng ủy quyền có thù lao giữa người ủy quyền và người được ủy quyền khi thuộc một trong hai trường hợp nêu trên. Ngoài hai trường hợp nêu trên, người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba, nếu người được ủy quyền thực hiện ủy quyền lại cho người thứ ba thì hợp đồng ủy quyền lại này vô hiệu, không có giá trị pháp luật.
  • Lưu ý: Việc ủy quyền lại giữa người được ủy quyền và người thứ ba không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Đồng thời, hình thức hợp đồng ủy quyền lại giữa người được ủy quyền và người thứ ba phải phù hợp với hình thức ủy quyền có thù lao ban đầu giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Ví dụ: hợp đồng ủy quyền có thù lao giữa người ủy quyền và người được ủy quyền được thực hiện công chứng, chứng thực thì hợp đồng ủy quyền lại giữa người được ủy quyền và người thứ ba cũng phải được thực hiện công chứng, chứng thực phù hợp với quy định pháp luật.

5. Hợp đồng ủy quyền có thù lao chấm dứt khi nào?

  • Hợp đồng ủy quyền có thù lao chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  • Chấm dứt theo thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền;
  • Hết thời hạn ủy quyền được người ủy quyền và người được ủy quyền thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền có thù lao hoặc theo quy định pháp luật nếu hai bên trong không có thỏa thuận (01 năm);
  • Người được ủy quyền đã hoàn thành công việc ủy quyền được nêu trong hợp đồng ủy quyền có thù lao;
  • Người được ủy quyền chết mà hợp đồng ủy quyền có thù lao quy định các công việc ủy quyền chỉ do người được ủy quyền thực hiện (không được ủy quyền lại);
  • Người ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao. Căn cứ khoản 1 Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015, người uỷ quyền được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có thù lao bất cứ lúc nào trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng phải trả thù lao cho người được uỷ quyền tương ứng với công việc mà người được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Lưu ý: Người uỷ quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao phải thông báo bằng văn bản cho bên thứ ba biết về việc người uỷ quyền đã chấm dứt; nếu người ủy quyền không thông báo thì hợp đồng với bên thứ ba vẫn có hiệu lực. Hợp đồng với bên thứ ba không còn hiệu lực khi bên thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng uỷ quyền giữa người ủy quyền và người được ủy quyền đã bị chấm dứt.
  • Người được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao. Căn cứ khoản 2 Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015, người được ủy quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao bất kỳ lúc nào trong quá trình thực hiện hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho người uỷ quyền (nếu có).

Trên đây là Những điều cần biết về hợp đồng ủy quyền có thù lao mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ trợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (323 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo