Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Sau một năm thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động mạnh, tài sản của 10 doanh nhân giàu nhất Việt Nam cũng có sự biến động lớn, sụt giảm hơn 260 nghìn tỷ đồng.

 

Phạm Nhật Vượng

Theo Nhịp sống thị trường, ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường, năm 2022, tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng giảm gần 44% so với đầu năm dù vậy ông vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2022 cũng là 1 năm đặc biệt với ông Vượng, sau 6 năm kể từ khi tuyên bố muốn cắm cờ trên đất Mỹ, ông đã hiện thực hóa được giấc mơ này. Ngày 25/11/2022, VinFast chính thức xuất khẩu 999 chiếc VF8 sang thị trường khó tính này, đây chỉ là những đơn hàng đầu tiên trên tổng số 65.000 đơn hàng VinFast nhận được trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng không chỉ dừng ở xuất khẩu xe, thương hiệu ô tô Việt kỳ vọng sẽ tạo ra những chiếc ô tô "made in USA" để bán tại thị trường Bắc Mỹ. Hiện nay, VinFast đã hoàn thành các thủ tục để mở một nhà máy tổng trị giá có thể lên tới 4 tỷ USD tại bang Bắc Carolina, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Hãng xe cũng đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.

Đỗ Anh Tuấn

Với việc SSH, KSF, SCG lên sàn vào năm 2021 đã khiến cho ông Đỗ Anh Tuấn lọt vào top những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2021 ở vị trí thứ 6 và năm 2022, tuy tổng tài sản giảm khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng ông Tuấn đã trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Hồ Hùng Anh

Đứng thú 3 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2022 là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam.

Trong năm qua, ngân hàng Techcombank đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6. Ông Hồ Hùng Anh từng nhiều lần nhấn mạnh về tiềm lực của ngân hàng khi nhìn vào vốn chủ sở hữu và cho rằng đây mới là con số thực sự quan trọng trong hoạt động ngân hàng.

Nguyễn Đăng Quang

Tương tự ông Hồ Hùng Anh, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đã giảm khoảng 35% trong năm 2022.

Trong năm, Masan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 85% với tổng vốn đầu tư 6.453 tỷ đồng và mức định giá trong đợt mua cuối là 450 triệu USD. Giao dịch mua Phúc Long mang về cho Masan khoảng 642 tỷ đồng lãi từ đánh giá lại khoản đầu tư.

Masan đã ra mắt mô hình hệ sinh thái WINLife với việc khai trương 30 cửa hàng WIN, là mô hình nâng cấp của WinMart+ trước đó, các cửa hàng này có mức doanh thu/m2 cao hơn 20% so với mô hình tạp hóa thuần túy.

Hoạt động kinh doanh của Masan 9T2022 bị ảnh hưởng do sức mua của người tiêu dùng giảm. Mảng thịt lợn mát của MML giảm 28% do MeatDeli chững lại do cạnh tranh từ nhiều thương hiệu thịt mát khác và tình hình vĩ mô khó khăn trong khi đó mảng thịt gà tăng 22%.

Trần Đình Long

Năm 2022, tài sản “vua thép” Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát giảm một nửa khi cổ phiếu HPG liên tục lao dốc mạnh. Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5, ông Trần Đình Long thẳng thắn cho rằng ngành thép đang không thuận lợi và chỉ cần đợi kết quả kinh doanh quý 2 công bố “cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".

Tiên đoán của ông Long sau đó đã ứng nghiệm, Hòa Phát báo lỗ lịch sử tới gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, để “đảm bảo tính sống còn” trong bối cảnh ngành thép khó khăn, doanh nghiệp phải dừng hoạt động 4 lò cao để cắt giảm sản lượng.

Bùi Thành Nhơn

Năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch NovaGroup mất đến 87% giá trị tài sản và chính thức rời khỏi danh sách tỷ phú USD. Điều này không quá bất ngờ khi cổ phiếu NVL liên tục trượt dốc không phanh, từng là tâm điểm chú ý với 17 phiên liên tiếp giảm sàn, hàng trăm triệu cổ phiếu chất sàn không có người mua.

Đà giảm của NVL được kích hoạt bởi những tin đồn về khả năng thanh khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp, cộng thêm làn sóng “call margin” lãnh đạo, cổ đông lớn lan trên diện rộng. Áp lực dòng tiền của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc siết chặt thị trường trái phiếu và room tín dụng ngân hàng. Thời gian gần đây, Novaland đã thực hiện nhiều biện pháp để tái cấu trúc tài chính.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air là người có tài sản giảm ít nhất. Sau thời gian đóng băng vì dịch Covid, việc khôi phục chuyến bay nội địa đã góp phần phục hồi ngành hàng không và tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của Vietjet Air.

Sang đến năm 2023, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được kỳ vọng hưởng lợi lớn thời gian tới nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Trong báo cáo gần nhất, công ty chứng khoán VNDirect dự tính Vietjet có thể lãi hơn 1.300 tỷ đồng năm nay. Nhờ đó dự đoán khối tài sản của nữ tỷ phú này có thể phục hồi hơn trong năm tới.

Phạm Thu Hương

Năm 2022, bà Hương sở hữu hơn 169 triệu cổ phiếu VIC và nhiều năm liền ghi tên trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2022, tài sản của bà Hương giảm khoảng 7.000 tỷ đồng, xuống còn 9.143 tỷ đồng, xếp thứ 8/10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Bà là người kín tiếng trước truyền thông. Vào tháng 12/ 2022, bà đã xuất hiện tại sự kiện trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture, đánh dấu lần thứ hai phu nhân của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ diện trước công chúng.

Nguyễn Đức Tài

7 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần đầu tư thế giới di động (MWG) đã đóng cửa tổng cộng khoảng 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Mặc dù vậy, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ: "Chúng ta đóng cửa vài trăm điểm bán hàng là sự thật. Nhưng chuyện gì xảy ra? Tổng doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng”.

Ông Tài chia sẻ thêm: “Chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh theo hướng mới “trải nghiệm khách hàng tốt hơn chợ" sẽ có lời trong quý IV/2022. Đây là một bước chuyển rất quan trọng đối với MWG”.

Năm 2023, câu chuyện hỗ trợ và chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Điện Máy Xanh cho Bách Hóa Xanh sẽ chấm dứt. Bách Hóa Xanh sẽ thật sự mang tiền về đóng góp cho sự phát triển chung của MWG", ông Tài nhấn mạnh.

Vũ Thị Hiền

Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, là người rất kín tiếng trước truyền thông nên mọi thông tin của bà ít được chia sẻ. Đến nay, bà chưa một lần lộ diện nhưng bà thường xuyên nằm trong nhóm 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Trên thực tế, bà Hiền đang nắm giữ khối tài sản khá lớn.

Năm 2022, tương tự như ông Trần Đình Long, tài sản của bà Hiền cũng giảm một nửa, từ 15.225 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn 7.578 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà vẫn lọt top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2022.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (449 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!