Nặng đầu choáng váng là gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Công việc của em là làm xây dựng. Vào 1 hôm trời nắng em làm việc có hiện tượng choáng nhẹ nhưng vẫn làm cố. Lúc sau mới nghỉ thì vài ngày sau không có vấn đề gì. Bắt đầu từ sáng hôm tiếp theo thì em thức dậy thấy mỏi hết người, trong đầu váng nhẹ. Tử lúc đấy đến giờ em làm việc hay dùng điện thì váng đầu và nóng đỏ mặt, cảm giác nặng ở gáy. Bác sĩ tư vấn giúp em váng đầu, nóng mặt và choáng váng là dấu hiệu bệnh gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Đặng Ngọc Thịnh (Hà Nội)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Chào bạn,

Với câu hỏi “Váng đầu, nóng mặt và choáng váng là dấu hiệu bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Váng đầu hay còn gọi là xây xẩm, xâm xoàng, chóng mặt hay choáng váng (mức độ nhẹ) có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như: thiếu máu, mất nước, giảm lưu lượng tuần hoàn máu lên não, căng thẳng – suy nhược thần kinh, hạ đường huyết, thiếu oxy não, ... Cũng có thể do bệnh lý tại não gây ra như: u não, hẹp tắc mạch máu não, ...

Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn có thể tạm giải thích theo những thông tin mà anh cung cấp như sau:

Bạn làm việc xây dựng, và bị choáng nhẹ trong khi làm ở thời tiết nắng nóng, vài ngày sau đó thì không có vấn đề gì. Có thể tại thời điểm anh làm việc anh có thể gặp phải những vấn đề như: mất nước điện giải do say nắng say nóng, hạ đường huyết do cung cấp năng lượng không đáp ứng đủ nhu cầu làm việc nặng hoặc môi trường ngột ngạt không đủ dưỡng khí, cũng có thể gặp trong trường hợp suy nhược cơ thể thoáng qua do làm việc gắng sức...

Giai đoạn sau thì từ lúc bạn ngủ dậy thấy mệt mỏi, đầu váng nhẹ, rồi sau đó khi dùng điện thoại thì váng đầu và nóng đỏ mặt, cảm giác nặng ở gáy. Cảm giác mệt mỏi là biểu hiện của tình trạng suy nhược cơ thể, váng đầu cũng có thể do những nguyên nhân đã kể ở trên. Nóng đỏ mặt cũng có thể gặp trong trường hợp như: tăng huyết áp. Tuy nhiên, cảm giác nặng ở gáy khi dùng điện thoại thì thường gặp ở những người sử dụng điện thoại nhiều và sai tư thế. Cúi nhiều, đặt biệt là nằm xem điện thoại (nằm trên giường, trên ghế sofa, trên võng...) ảnh hưởng nặng nề lên tư thế của cột sống cổ, gây viêm căng cơ vùng cổ và có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lên não. Chưa kể ánh sáng từ màn hình thiết bị điện tử cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.

Để cải thiện tình trạng của bạn, xin gửi bạn vài lời khuyên nhỏ như sau:

  • Khi làm việc dưới trời nắng nóng cần che chắn phù hợp, uống nhiều nước, bổ sung điện giải, cung cấp đủ năng lượng, hạn chế làm việc trong môi trường bụi bẩn, kín, thiếu dưỡng khí. Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc nặng.
  • Hạn chế sử dụng điện thoại, ipad, máy tính nếu có thể, tránh sai tư thế khi sử dụng các thiết bị này.
  • Vận động thể dục, ngủ đủ giấc... tránh stress để giảm nguy cơ suy nhược thần kinh.

Nếu sau 5 – 7 ngày tối ưu những điều trên mà tình trạng không cải thiện, bạn cần đến khám tại cơ sở y tế có khả năng chụp CT hoặc MRI (đánh giá xem có tổn thương não không), kèm theo làm các xét nghiệm như công thức máu (xem có thiếu máu không), chức năng gan thận, điện giải.. và được thăm khám tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để giải quyết sớm và dứt điểm tình trạng trên.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (976 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!