Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự

Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội ban hành theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định đã quy định rõ ràng về Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự, Luật ACC xin gửi đến quý bạn đọc bài viết: “Đối tượng điều chỉnh theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Dieu-69-luat-to-tung-hanh-chinh-300x190

1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự

Căn cứ theo Điều 1 Luật Dân sự năm 2015 quy định: 
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

1.1. Quan hệ tài sản

Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản, Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn với một tài sản nhất định được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác.
Tài sản (được khái quát chung ở Điều 105 BLDS năm 2015) bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Quan hệ tài sản tài sản không chỉ bó hẹp ở những vật vô tri mà còn hàm chứa nội dung xã hội là những quan hệ xã hội liên quan đến một tài sản.
Quan hệ tài sản không chỉ bao gồm vật thuộc về ai, do ai chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mà còn bao gồm cả việc dịch chuyển những tài sản đó từ chủ thể này sang chủ thể khác, quyền yêu cầu của một hay nhiều chủ thể và nghĩa vụ tương ứng với các quyền yêu cầu đó của một hay nhiều chủ thể khác trong quan hệ nghĩa vụ cũng được coi là quan hệ tài sản. Quan hệ tài sản rất đa dạng và phức tạp bởi các yếu tố cấu thành nên các quan hệ đó bao gồm: chủ thể tham gia, khách thể được tác động và nội dung của các quan hệ đó. Quan hệ tài sản là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh mang tính ý chí. Quan hệ tài sản phát sinh giữa các chủ thể là những quan hệ kinh tế cụ thể trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm cũng như cung ứng dịch vụ trong xã hội. Quan hệ tài sản luôn gắn liền với quan hệ sản xuất và phù hợp với quan hệ sản xuất vốn là hạ tầng của xã hội. Quan hệ sản xuất tồn tại không phụ thuộc vào ý chí của con người mà nó phát sinh, phát triển theo những quy luật khách quan. Nhưng những quy luật này được nhận thức và phản ánh thông qua những quy phạm pháp luật lại mang tính chủ quan – ý chí của giai cấp thống trị phản ánh sự tồn tại xã hội thông qua các quy phạm pháp luật. Mỗi chủ thể tham gia vào một quan hệ kinh tế cụ thể đều đặt ra những mục đích và với động cơ nhất định. Bởi vậy, quan hệ tài sản mà các chủ thể tham gia mang ý chí của các chủ thể và phải phù hợp với ý chí của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật dân sự. Nhà nước dùng các quy phạm pháp luật dân sự tác động lên các quan hệ kinh tế, hướng cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi theo ý chí của Nhà nước. Vì vậy, sự tác động của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho các quan hệ tài sản phát triển. Nếu sự định hướng phù hợp với những quy luật khách quan của sự phát triển thì sẽ thúc đẩy quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển và ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Có thể nói rằng quan hệ tài sản là biểu hiện ý chí của chủ thể, của nhà nước về quan hệ sản xuất trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang xây dựng và hình thành nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu và hình thức kinh doanh thì việc xác định các quan hệ tài sản phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là định hướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ nền sản xuất xã hội.
Thứ hai, quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh mang tính chất hàng hoá và tiền tệ. Định hướng chiến lược của nước ta hiện nay là phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (Điều 15 Hiến pháp năm 1992). Trong mô hình kinh tế này, các tài sản được thể hiện dưới dạng hàng hóa và được quy thành tiền. Sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ để bán, để trao đổi là đặc trưng của nền sản xuất này. Nó tạo động lực cho mọi cá nhân và tổ chức, khơi dậy mọi tiềm năng của họ, phát huy ý chí tự lực, tự cường ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước. Những nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường cũng có những mặt trái của nó (cạnh tranh không lành mạnh, phân hoá giàu nghèo…). Cho nên, khuyến khích tính năng động, sáng tạo đi đôi với thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế, bảo đảm cho mọi đơn vị kinh tế, không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau, bình đẳng trước pháp luật. Bởi vậy, cần phải có hành lang pháp lý vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa chặt chẽ mới có thể đáp ứng được các yêu cầu trên. Hơn nữa chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, do vậy pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng còn phải tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới và trong khu vực. Quy luật của nền kinh tế thị trường trong sản xuất xã hội chi phối các quan hệ tài sản mà một trong các biểu hiện của nó là quan hệ tiền – hàng. Sự trao đổi hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế thị trường chủ yếu thông qua hình thức tiền – hàng. Khái niệm hàng hoá càng ngày càng được mở rộng cùng với sự chuyên môn hoá của nền sản xuất, cùng với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật và quan niệm xã hội về các đối tượng trao đổi. Tài sản là đối tượng và cũng là khách thể của quan hệ tài sản phải trị giá được thành tiền và có thể chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự. Do vậy, các quan hệ tài sản này cũng không nằm ngoài sự chi phối của quy luật hàng hoá – tiền tệ.
Thứ ba, quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh mang tính chất đền bù tương đương. Sự đền bù tương đương trong trao đổi là biểu hiện của quan hệ hàng hoá và tiền tệ, là đặc trưng của quan hệ dân sự theo nghĩa rộng. Nhưng không phải tất cả sự dịch chuyển tài sản, dịch vụ đều có sự đền bù tương đương như: cho, tặng, thừa kế, sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật… Nhưng các quan hệ này không phải là quan hệ cơ bản và không phổ biến trong trao đổi; nó không chỉ đơn thuần là quan hệ pháp luật mà còn bị chi phối bởi nhiều quan hệ xã hội khác (truyền thống, phong tục…).

1.2. Quan hệ nhân thân

Cùng với quan hệ tài sản, luật dân sự còn điều chỉnh các quan hệ nhân thân (Điều 1 BLDS năm 2015). Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa người với người về một giá trị nhân thân của cá nhân hay các tổ chức. Việc xác định một giá trị nhân thân là quyền nhân thân phải được pháp luật thừa nhận như một quyền tuyệt đối của một cá nhân, tổ chức. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với một chủ thể, về nguyên tắc không thể chuyển giao cho chủ thể khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Đó là một quyền dân sự tuyệt đối, mọi người đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân của người khác. | Các quyền nhân thân được nhiều ngành luật điều chỉnh. Luật hành chính quy định về trình tự, thủ tục để xác định các quyền nhân thân như: phong các danh hiệu cao quý của Nhà nước; tặng thưởng các loại huân, huy chương; công nhận các chức danh… Luật hình sự bảo vệ các giá trị nhân thân bằng cách quy định những hành vi nào khi xâm phạm đến những giá trị nhân thân nào được coi là tội phạm (như các tội: vu khống, làm nhục người khác, làm hàng giả…).
Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ nhân thân bằng cách quy định những giá trị nhân thân nào được coi là quyền nhân thân, trình tự thực hiện, giới hạn của các quyền nhân thân đó, đồng thời quy định các biện pháp thực hiện, bảo vệ các quyền nhân thân (Điều 11 – Điều 14 BLDS năm 2015).
Các quan hệ nhân thân xuất phát từ quyền nhân thân do luật dân sự điều chỉnh có thể chia làm hai nhóm căn cứ vào khoản 1 Điều 17 BLDS năm 2015:
– Quan hệ nhân thân gắn với tài sản;
– Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản.
Những quan hệ nhân thân do luật dân sự điều chỉnh có những đặc điểm sau:
– Quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể dịch chuyển được cho các chủ thể khác. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định có thể được dịch chuyển. Những trường hợp cá biệt này phải do pháp luật quy định quyền công bố tác phẩm của tác giả các tác phẩm, các đối tượng sở hữu công nghiệp…).
– Quyền nhân thân không xác định được bằng tiền – giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản như danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, danh dự, uy tín của tổ chức; quyền đối với họ, tên; thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc, thay đổi dân tộc; quyền đối với hình ảnh; với bí mật đời tư; quyền kết hôn, ly hôn… (từ Điều 26 đến Điều 39 BLDS năm 2015). Một số quyền nhân thân mới được ghi nhận và bảo hộ trong BLDS năm 2015 như: quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; chuyển đổi giới tính; quyền nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình…
Luật dân sự ghi nhận những giá trị nhân thân được coi là quyền nhân thân và quy định các biện pháp bảo vệ các giá trị nhân thân đó. Mỗi chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm. Khi quyền nhân thân bị xâm phạm thì chủ thể có quyền tự mình cải chính, yêu cầu người có hành vi xâm phạm hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm: xin lỗi, cải chính công khai; tự mình cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp những tổn thất về tinh thần.
Các quan hệ nhân thân gắn với tài sản là những giá trị nhân thân khi được xác lập làm phát sinh các quyền tài sản. Quyền nhân thân là tiền đề làm phát sinh các quyền tài sản khi có những sự kiện pháp lý nhất định như tác giả các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật; quyền tác giả các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… được hưởng tiền nhuận bút, thù lao, được hưởng tiền thù lao do áp dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân nhưng khi hình ảnh đó được người khác sử dụng vì mục đích thương mại thì người có hình ảnh sẽ được trả thù lao. Đó là sự kiện làm phát sinh quyền nhân thân gắn với tài sản.

3. Dịch vụ tư vấn luật ACC

Trên đây là thông tin về Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự mà Công ty Luật ACC gửi đến quý bạn đọc tham khảo. Nếu cần cung cấp thêm thông tin chi tiết quy định về vấn đề này, quý khách vui lòng truy cập trang web: https://accgroup.vn để được trao đổi cụ thể.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (601 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo