Công văn 1573/TCHQ-TXNK 2022 về thuế chống bán phá giá

Bán phá giá là một khái niệm cơ bản của thương mại quốc tế, được hiểu là việc bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thông thường của nó, mà trong hầu hết các trường hợp là giá tại thị trường nội địa của nhà xuất khẩu. Theo đó, chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại được nhà nước áp dụng nhằm đối phó với những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Một biện pháp thượng được áp dụng nhất là đánh thuế nhằm phá bỏ lợi thế về giá “không công bằng” của những sản phẩm này. Tuy nhiên nhiều người lại chưa thực sự quan tâm về vấn đề này. Hãy cùng ACC tìm hiểu các thông tin về công văn thuế chống bán phá giá thông qua bài viết dưới đây

Công Văn Thuế Chống Bán Phá Giá

công văn thuế chống bán phá giá

1. Phòng vệ thương mại là gì?

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

- 04 biện pháp sử dụng trong Phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại có 4 biện pháp: Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Biện pháp tự vệ, và Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Thứ nhất: Chống bán phá giá

Đây là biện pháp mà nước nhập khẩu có quyền áp dụng để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh ở trong nước.

Khi hàng hoá nhập khẩu được chứng minh là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp: thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

Thứ hai: Biện pháp chống trợ cấp

Là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.

Trợ cấp Chính phủ có thể tồn tại dưới hình thức trực tiếp như chuyển trực tiếp các khoản vốn (cho vay ưu đãi, góp cổ phần…), chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (bảo lãnh tiền vay, bảo đảm tín dụng…).

Hoặc trợ cấp gián tiếp như bỏ qua hoặc không thu các khoản thu phải nộp (miễn thuế, giảm thuế); cung cấp hàng hóa hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp.

Thứ ba: Biện pháp tự vệ

Là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp khi hàng nhập khẩu gia tăng bất thường.

Nếu như để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp, cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp và thị trường trong nước.

Mỗi nước thành viên WTO đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng thì họ phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ

Thứ tư: Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả các biện pháp này.

Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp:

(i) hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại;

(ii) hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

2. Khái niệm thuế chống bán phá giá

Tại Điều 4, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 những loại thuế này được định nghĩa như sau:

- Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Từ khái niệm này ta thấy, những loại thuế này áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, không phải hàng hóa nhập khẩu nào cũng phải chịu các loại thuế này mà việc nhập khẩu những hàng hóa này phải gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì mới áp dụng các loại thuế này.

3. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

4. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá

Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, bao gồm:

- Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.

5. Thời hạn áp dụng thuế chống phá giá

Theo khoản 3 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.

6. Áp dụng thuế chống bán phá giá

- Việc áp dụng, thay đổi, bãi bỏ thuế chống bán phá giá được thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và pháp luật về chống bán phá giá.

- Căn cứ mức thuế, số lượng hoặc trị giá hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, người khai hải quan có trách nhiệm kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Bộ Công thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá.

- Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá.

- Trường hợp lợi ích của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xâm hại hay vi phạm, căn cứ vào các Điều ước quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác phù hợp.

7. Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như sau:

- Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

8. Công văn thuế chống bán phá giá

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1573/TCHQ-TXNK
V/v thực hiện thuế CBPG đối với sản phẩm vật liệu hàn

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan nhận được Quyết định số 706/QĐ-BCT ngày 15/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm vật liệu hàn được phân loại theo các mã HS 7217.10.10, 7217.30.19, 7229.20.00, 7229.90.20, 7229.90.99, 8311.10.10, 8311.10.90, 8311.30.91, 8311.30.99 và 8311.90.00 có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Để đảm bảo thực hiện thống nhất, đúng quy định của Bộ Công Thương, tránh sai sót, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị một số nội dung như sau:

1. Thời hạn áp dụng mức thuế chống bán phá giá

Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định số 706/QĐ-BCT kèm theo Thông báo của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để thực hiện trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 22/4/2022 đến hết ngày 19/8/2022 (trừ khi được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo quy định của pháp luật).

2. Mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá

Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời bao gồm que hàn inox 308 có bọc thuốc được phân loại theo các mã HS 8311.10.90, 8311.30.99 và 8311.90.00 và dây hàn thép đặc không lõi thuốc được phân loại theo các mã HS 7217.10.10, 7217.30.19, 7229.20.00, 7229.90 20, 7229.90.99, 8311.10.10, 8311.10.90, 8311.30.91, 8311.30.99, 8311.90.00 có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Lưu ý: Sản phẩm dây hàn thép đặc không lõi thuốc được phân loại theo mã HS 7217.10.10 và 7229.90.99 thuộc đối tượng áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Quyết định số 706/QĐ-BCT. Đồng thời, trường hợp sản phẩm thép cuộn, thép dây cũng được phân loại mã HS 7217.10.10 và 7229.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau thuộc đối tượng bị áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 (thời hạn áp dụng từ 22/3/2020 đến 22/3/2023), Cục Thuế xuất nhập khẩu đã có công văn số 3091/TXNK-CST ngày 22/4/2022 hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chính sách thuế.

3. Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng thuế chống bán phá giá

Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ và thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra mã HS, mô tả hàng hóa; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; Giấy chứng nhận chất lượng bản gốc của nhà sản xuất quy định tại Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT để áp dụng thuế chống bán phá giá đúng quy định.

4. Thủ tục khai báo thuế chống bán phá giá

Căn cứ hướng dẫn tại mục 4 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định Quyết định số 706/QĐ-BCT, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan, tỉnh thành phố phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện khai báo thuế chống bán phá giá tạm như sau:

4.1. Đối với que hàn inox 308 có bọc thuốc

a) Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS theo mã G135 tương ứng mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 36,11%.

b) Trường người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc thì không phải nộp thuế chống bán phá giá, người khai hải quan khai trên tờ khai nhập khẩu tại chỉ tiêu 1.95 Mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác theo bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá (GK) đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn. 

c) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc nhưng không nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất hoặc nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất nhưng tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận không trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.1 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS và áp dụng mức thuế như sau: 

+ G130 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Ma-lai-xi-a tương ứng mức thuế CBPG là 12,78%; 

+ G133 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Thái Lan tương ứng mức thuế CBPG là 36,11% 

+ G134 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Trung Quốc tương ứng mức thuế CBPG là 11,43%.

d) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc, nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.1 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT và cơ quan hải quan kiểm tra tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 thì nộp mức thuế tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2.1 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT. Người khai hải quan khai báo mã dùng trong VNACCS tương ứng với mức thuế suất của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu theo bảng mã thuế chống bán phá giá đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn. 

đ) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc, nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.1 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT và cơ quan hải quan kiểm tra tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) không trùng với tên nhà sản xuất tại Cột 1 Mục 2.1 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS và áp dụng mức thuế như tại điểm c mục 4.1 nêu trên.

4.2. Đối với dây hàn thép đặc không lõi thuốc

a) Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS theo mã G140 tương ứng mức thuế CBPG tạm thời là 36,56%. 

b) Trường người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc thì không phải nộp thuế chống bán phá giá, người khai hải quan khai trên tờ khai nhập khẩu tại chỉ tiêu 1.95 Mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác theo bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá (GK) đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn. 

c) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a và Trung Quốc nhung không nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất hoặc nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất nhưng tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận không trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.1 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT thì người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS và áp dụng mức thuế như sau: 

+ G137 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Ma-lai-xi-a tương ứng mức thuế CBPG là 34,37%; 

+ G139 đối với hàng hóa có chứng từ chứng nhận xuất xứ từ Trung Quốc tương ứng mức thuế CBPG là 36,56%.

d) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a và Trung Quốc, nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT và cơ quan hải quan kiểm tra tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.2 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT thì nộp mức thuế tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2.2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT. Người khai hải quan khai báo mã dùng trong VNACCS tương ứng với mức thuế suất của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu theo bảng mã thuế chống bán phá giá đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn. 

đ) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Ma-lai-xi-a và Trung Quốc, nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất và tên nhà sản xuất trên Giấy chứng nhận trùng với tên của nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2.2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT và cơ quan hải quan kiểm tra tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) không trùng với tên nhà sản xuất tại Cột 1 Mục 2.2 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT người khai hải quan thực hiện khai báo mã dùng trong VNACCS và áp dụng mức thuế như tại điểm c mục 4.2 nêu trên.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện.

(Gửi kèm bản chụp Quyết định số 706/QĐ-BCT ngày 15/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Công Thương (Cục PVTM) (để ph/h);
- Cục CNTT, Cục GSQL, Cục QLRR (để biết);
- Lưu: VT, TXNK (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

Lưu Mạnh Tưởng

Trên đây là một số thông tin về công văn thuế chống bán phá giá. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với Công ty Luật ACC, để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (322 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo