Hướng dẫn cách chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng mang những đặc điểm riêng biệt, đó là những sản phẩm mang chất lượng, uy tín tốt, được số đông người tiêu dùng biết đến và tin tưởng trên lãnh thổ Việt Nam. Do những tính chất như vậy, nhãn hiệu nổi tiếng là đối tượng rất dễ bị xâm phạm nhằm để chuộc lợi. Rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam đã bị xâm phạm bằng việc sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn, sản xuất hàng nhái,… Do vậy, các doanh nghiệp sở hữu một nhãn hiệu nổi tiếng luôn luôn trăn trở suy nghĩ về việc bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng của mình. Trước tiên cần phải chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng? Vậy phải chứng minh như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thuong Hieu Noi Tieng
Hướng dẫn cách chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng

1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Theo khoản 20 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ: Honda, Coca-cola, Microsoft...

Một số đặc điểm chính của nhãn hiệu nổi tiếng

- Là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như một nhãn hiệu tiêu biểu cho loại hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu đó;

- Là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam và cả trên toàn thế giới;

- Có giá trị lớn về mặt kinh tế, nhãn hiệu nổi tiếng thường trở thành thương hiệu của công ty, doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó;

- Là đối tượng dễ bị sử dụng trái phép.

2. Hướng dẫn cách chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng

2.1. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 42 Mục 5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ, được sửa đổi bởi điểm a khoản 35 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì nhãn hiệu nổi tiếng được ghi nhận như sau:

– Các nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và phù hợp với quy định tại Điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

– Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu theo quy định của pháp luật để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.

– Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể bao gồm các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.

– Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 hoặc dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

2.2. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì các tiêu chí được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng là:

– Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo.

Tiêu chí đầu tiên để đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng là số lượng người tiêu dùng đã biết đến nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng pháp luật không quy định số lượng người tiêu dùng phải đủ lớn như thế nào nên việc chứng minh tiêu chí này còn khá bất khả thi đối với các chủ sở hữu nhãn hiệu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Theo đó, người tiêu dùng liên quan là người tiêu dùng có chung hoặc có những nhu cầu, sở thích tương tự nhau trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Theo đó, người tiêu dùng liên quan có thể biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc qua hình thức quảng cáo. Vậy nên, nếu số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến nhãn hiệu càng nhiều thì mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó càng cao. Số lượng những người không liên quan biết đến nhãn hiệu không phải tiêu chí đánh giá mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu.

– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.

Từ khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng có thể thấy rằng phạm vi lãnh thổ để đánh giá về nhãn hiệu nổi tiếng là dựa vào số lượng khu vực trên lãnh thổ Việt Nam mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.

Muốn đưa hàng hóa, dịch vụ được tự do lưu thông trên thị trường thì một trong những điều kiện cần thiết đó là đăng ký lưu hành sản phẩm. Do đó, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành là hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được cấp Giấy phép lưu hành sản phẩm hợp pháp.

– Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp.

Để một nhãn hiệu trở thành nhãn hiệu nổi tiếng thì cần đánh giá về doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp. Doanh số bán hàng càng lớn, số lượng hàng hóa được bán ra, lượng dịch vụ được cung cấp càng nhiều  chứng tỏ hàng hóa, dịch vụ đó được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, mức độ phổ biến cao. Tiêu chí đánh giá trên nhằm củng cố thêm giá trị mà nhãn hiệu nổi tiếng mang lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu.

– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu phải được sử dụng lâu dài và được sử dụng một cách liên tục. Việc không sử dụng liên tục nhãn hiệu tức là chủ sở hữu nhãn hiệu có thời gian ngừng sử dụng nhãn hiệu làm cho mức độ phổ biến của nhãn hiệu không cao dẫn đến độ nhận diện của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu bị giảm xuống. Lúc này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá khoảng thời gian nhãn hiệu không được sử dụng, xem xét nguyên nhân gián đoạn để từ đó đưa ra quyết định nhãn hiệu có còn là nhãn hiệu nổi tiếng hay không.

– Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu được xem là nhãn hiệu nổi tiếng chỉ khi nhãn hiệu đó tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng. Do đó, khi xét đến tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng thì cần quan tâm đến mức độ uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu.

Tiêu chí này cũng là một tiêu chí đáng quan tâm để biết được chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở bao nhiêu quốc gia và số lượng quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu từ đó đánh giá được mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó.

– Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng.

Với số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng càng nhiều thì chứng tỏ nhãn hiệu đó có mức độ uy tín càng lớn.

Ví dụ: nhãn hiệu Coca Cola được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.

– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng. Một nhãn hiệu uy tín thì sẽ nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng từ đó làm tăng giá trị kinh tế của nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu có độ phổ biến càng cao thì sẽ được định giá càng cao và mang lại giá trị kinh tế càng lớn. Do đó, giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư càng lớn chứng tỏ nhãn hiệu có độ phủ sóng càng rộng trong thị trường cũng như là có mức độ uy tín lớn đối với người tiêu dùng.

3. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 điều 6 của Nghị định 103/2006/NĐ-CP, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cở sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ màkhông cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu như các nhãn hiệu thông thường.

Có hai cơ quan được xem xét và công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng đó là Toà án và Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ và Toà án chỉ xem xét và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng khi có yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo từng vụ việc cụ thể.

Cục Sở hữu trí tuệ không nhận đơn đăng ký cũng như đơn đề nghị công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Yêu cầu xem xét nhãn hiệu nổi tiếng có thể diễn ra trong một số trường hợp sau:

  • Khi tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nhưng bị từ chối vì nhãn hiệu rơi vào các yếu tố loại trừ hoặc bị từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác, vì thế phải xác lập quyền cho nhãn hiệu này thông qua việc chứng minh nhãn hiệu là nổi tiếng.
  • Khi tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.
  • Khi tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (948 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo