Cây thủy tùng cổ thụ

Cây thủy tùng đặc biệt này hiện tọa lạc ở vị trí dưới chân cầu Rô Sy, thuộc phường An Lạc, Thị xã Buôn Hồ. Khu vực cây sống nằm trên diện tích vườn riêng của gia đình bà Vũ Thị Nga (SN 1963) và đang được gia đình này trông coi "bất đắc dĩ".

 

Đường kính của cây thủy tùng phần gốc khoảng 80cm, cao trên 10m, tuổi đời gần trăm năm. Thời điểm hiện tại, dù lá xanh tươi nhưng phần trên cùng của cây đã bị khô.

 

Dù là xum xuê nhưng phần trên của cây đã có nhiều cành khô.

 

Theo quan sát, vị trí đứng của cây thủy tùng này rất dễ cho kẻ gian có thể cắt hạ và bứng đi trong một thời điểm thuận lợi.

 

Bà Vũ Thị Nga kể: Đây là một cây quý và là cây của nhà nước nên gia đình bà cố gắng trông coi hết sức. Trước đây, cũng có vài người đến nói với bà sẽ làm giấy tờ để gia đình bà trông coi nhưng sau rồi chẳng thấy đâu.

 

“Khi có chồng tôi ở nhà và thời điểm ban ngày thì không sao, nhưng nhiều khi một mình tôi ở nhà ban đêm cũng sợ mất cây, bây giờ nếu có ai thuê tôi trông cây tôi cũng không dám nhận”, bà Nga chia sẻ.

 

Cây thủy tùng nằm gần suối, cạnh QL29 đi Krông Năng.

 

Có một chi tiết đáng chú ý, theo bà Nga, đã từng có một số người sống ở khu vực ngoài Bắc vào xin lá cây thủy tùng và nói là mang về để chữa bệnh ung thư. Những người này đã vặt lá của cây rất nhiều nhưng sau này bà Nga nói cây của nhà nước nên họ thôi.

 

Còn theo các cụ cao niên ở Thị xã Buôn, thời điểm này, dù thủy tùng đã được nhân giống thành công nhưng việc bảo vệ cây thủy tùng này nghiêm ngặt là hết sức cần thiết vì đây là cây độc nhất còn tồn tại ở vùng này.

 

Bà Vũ Thị Nga trao đổi với PV.

 

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Krông Búk cho biết, chúng tôi không có kinh phí để thuê người trông coi nhưng đơn vị và địa phương vẫn phối hợp cho người kiểm tra thường xuyên.

 

“Đây là cây thủy tùng duy nhất còn tồn tại ở Thị xã Buôn Hồ, chúng tôi đang lên phương án đề xuất bàn giao cây này cho một đơn vị khác và họ sẽ có kinh phí thuê người trông coi và chăm sóc”, ông Thuấn thông tin thêm.

 

Được biết, ở Tây Nguyên hiện có 2 quần thể thủy tùng lớn nhất trên thế giới (khoảng 261 cây) còn sót lại nằm ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo và xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

 

Thủy tùng thuộc dòng quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, trên thế giới, thủy tùng chỉ mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào).

 

Việt Nam là nước thứ 3 có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên gồm 161 cây. Trước khi các chuyên gia nhân giống thủy tùng thành công thì hơn nửa thế kỷ qua không một cây con thủy tùng nào sinh sôi và phát triển.

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (221 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!