Các yếu tố cấu thành tội danh chống người thi hành công vụ

Trong khoản thời gian diễn ra đại dịch COVID - 19 vừa qua, các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong công tác phòng chống dịch đã tăng mạnh và rất nhiều người đã bị xử lý vi phạm. Vậy các cơ quan chức năng dựa vào cơ sở nào để các đối tượng này chịu đúng trách nhiệm cho hành vi của mình? Mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Công ty luật ACC về các yếu tố cấu thành tội danh chống người thi hành công vụ để có cái nhìn tổng quan hơn.

Ảnh Minh Họa Các Yếu Tố Cấu Thành Tội Danh Chống Người Thi Hành Công Vụ
Ảnh Minh Họa Các Yếu Tố Cấu Thành Tội Danh Chống Người Thi Hành Công Vụ

1. Tội chống người thi hành công vụ là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

2. Các yếu tố cấu thành tội danh chống người thi hành công vụ

Các yếu tố cấu cơ bản thành tội danh chống người thi hành công vụ gồm:

2.1 Về chủ thể

Bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự, là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội (Điều 21 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2.2 Về mặt khách thể

Xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công:

+ Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng... ).

+ Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

2.3 Về mặt khách quan

Có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật hình sự hiện hành. Cụ thể người phạm tội có thể có những hành vi sau:

+ Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...)

+ Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.

+ Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.

+ Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…

- Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.

Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích, tội giết người…). Mời quý bạn đọc đọc thêm Bài viết Chống người thi hành công vụ gây thương tích, bị xử lý thế nào? để biết trách nhiệm hình sự mà những người thực hiện hành vi này phải chịu là gì?

2.4 Về mặt chủ quan

Là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật.

Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người.

3. Các câu hỏi có liên quan

3.1 Người thi hành công vụ là ai?

Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về người thi hành công vụ như sau: "Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội."

Ngoài ra, tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 cũng có quy định: Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.

3.2 Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Tùy mức độ vi phạm mà tội chống người thi hành công vụ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự:

  • Phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2022/NĐ-CP: có thể bị phạt từ 1 đến 8 triệu đồng.
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3.3 Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với tội danh chống người thi hành công vụ

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại Điều 51, 52 BLHS 2015. Ngoài ra, những trường hợp khác được xem xét giảm nhẹ được hướng dẫn trong Công văn 212/TANDTC – PC 2019 và tham khảo Nghị quyết số 01/2000/NQ – HĐTP như: Bị cáo là thương binh hoặc người thân thích như vợ, chồng, cha mẹ, con, anh, chị, em ruột là liệt sỹ, Thiệt hại do lỗi của người thứ ba, Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe cho người bị hại, gây thiệt hại về tài sản, Người bị hại cũng có lỗi.

 

Trên đây là trình bày tổng quan về các yếu tố cấu thành tội danh chống người thi hành công vụ. Trong quá trình cần tìm hiểu và áp dụng các quy định của Luật có liên quan, nếu như quý khách hàng còn có thắc mắc hay quan tâm hãy liên hệ chúng tôi để được cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (1115 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo