Công văn 4387/TCHQ-TXNK hướng dẫn khai báo thuế chống bán phá giá tạm thời

Bán phá giá là một khái niệm cơ bản của thương mại quốc tế, được hiểu là việc bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thông thường của nó, mà trong hầu hết các trường hợp là giá tại thị trường nội địa của nhà xuất khẩu. Theo đó, chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại được nhà nước áp dụng nhằm đối phó với những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Một biện pháp thượng được áp dụng nhất là đánh thuế nhằm phá bỏ lợi thế về giá “không công bằng” của những sản phẩm này. Tuy nhiên nhiều người lại chưa thực sự quan tâm về vấn đề này. Hãy cùng ACC tìm hiểu các thông tin về cách khai thuế chống bán phá giá thông qua bài viết dưới đây

Cách Khai Thuế Chống Bán Phá Giá

cách khai thuế chống bán phá giá

1. Khái niệm thuế chống bán phá giá

Tại Điều 4, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 những loại thuế này được định nghĩa như sau:

- Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

- Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Từ khái niệm này ta thấy, những loại thuế này áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, không phải hàng hóa nhập khẩu nào cũng phải chịu các loại thuế này mà việc nhập khẩu những hàng hóa này phải gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì mới áp dụng các loại thuế này.

2. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

3. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá

Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, bao gồm:

- Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.

4. Quy trình áp dụng bán chống phá giá

Trình tự áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Theo Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định trình tự áp dụng biện pháp chống bán phá giá như sau:

Bước 1: Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.

- Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực.

Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.

Bước 2: Áp dụng biện pháp cam kết

- Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam;

- Cơ quan điều tra có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Bước 3: Áp dụng thuế chống bán phá giá

- Trường hợp không đạt được cam kết tại bước 2, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật Quản lý ngoại thương 2017. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra; - Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá; - Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng; - Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Bước 4: Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực

- Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

5.Cách khai thuế chống bán phá giá

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4387/TCHQ-TXNK
V/v hướng dẫn khai báo thuế chống bán phá giá tạm thời theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2019

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan nhận được Quyết định số 1711/QĐ-BCT ngày 18/6/2019 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, được sơn có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc (có hiệu lực từ ngày 25/6/2019). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13;

Căn cứ quy định tại Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31/5/2017 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT ngày 05/6/2019 của Bộ Công Thương;

Căn cứ quy định tại Điều 1 Quyết định số 1711/QĐ-BCT thì mặt hàng thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99 có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc kể từ ngày 25/6/2019 thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Trước đó, các mặt hàng này đang thuộc đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ theo Quyết định số 1931/QĐ-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT;

Căn cứ quy định tại Mục 6 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT thì trường hợp các mặt hàng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đang thuộc đối tượng áp dụng của biện pháp tự vệ theo Quyết định số 1931/QĐ-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT thì doanh nghiệp chỉ phải nộp một trong hai loại thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá, mức thuế suất áp dụng là mức thuế của loại thuế có thuế suất cao hơn.

Căn cứ quy định nêu trên, để đảm bảo việc khai báo và áp dụng chính xác mức thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng do Bộ Công Thương ban hành đồng thời cùng lúc 02 Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ và Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

I. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo trên tờ khai hải quan và áp dụng một trong hai loại thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá như sau:

1. Đối với các mặt hàng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đang thuộc đối tượng áp dụng của biện pháp tự vệ trong hạn ngạch theo Quyết định 1931/QĐ-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT thì doanh nghiệp phải khai báo thuế chng bán phá giá và áp dụng mức thuế chống bán phá giá của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài được xác định theo hướng dẫn tại cột 3 Mục 3 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT;

2. Đối với các mặt hàng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đang thuộc đối tượng áp dụng của biện pháp tự vệ ngoài hạn ngạch theo Quyết định 1931/QĐ-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT:

2.1. Trường hợp mức thuế chống bán phá giá của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài được xác định theo hướng dẫn tại Mục 3, Mục 4, Mục 5 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT cao hơn mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch (19%) thì doanh nghiệp phải khai báo thuế chống bán phá giá và áp dụng mức thuế chống bán phá giá tương ứng theo hàng ngang tại Cột 3 Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT.

2.2. Trường hợp mức thuế chống bán phá giá của nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài được xác định theo hướng dẫn tại Mục 3, Mục 4 và Mục 5 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT thấp hơn mức thuế tự vệ ngoài hạn ngạch (19%) thì doanh nghiệp phải khai báo thuế tự vệ và áp dụng mức thuế 19%.

II. Thực hiện kiểm tra, rà soát theo quy định hiện hành, Quyết định 1931/QĐ-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1561/QĐ-BCT, Quyết định số 1711/QĐ-BCT của Bộ Công Thương như sau:

1. Kiểm tra hồ sơ hải quan theo hướng dẫn tại Mục 5 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BCT.

2. Kiểm tra việc khai báo mức thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá do doanh nghiệp khai báo theo hướng dẫn tại mục trên cơ sở kết quả phân luồng của hệ thống và chỉ dẫn rủi ro về việc áp dụng mức thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá.

3. Trường hợp doanh nghiệp khai báo không đúng theo hướng dẫn tại mục I nêu trên thì công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp khai báo sửa đổi, bổ sung tờ khai hải quan trên hệ thống theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp không khai báo bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế, tính tiền chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh thành phố biết và thực hiện./.

Trên đây là một số thông tin về cách khai thuế chống bán phá giá. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với Công ty Luật ACC, để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (380 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo