Cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên thế nào?

1. Tiếp tục học tập

Trình độ học vấn cao hơn có liên quan đến khả năng hoạt động trí óc tốt hơn. Các chuyên gia nghĩ rằng khi có một nền tảng giáo dục tốt có thể giúp giữ cho trí nhớ mạnh mẽ hơn bằng cách tạo cho mọi người thói quen hoạt động trí óc. Theo đó, thử thách trí não để cải thiện trí nhớ bằng các bài tập thể dục sẽ kích hoạt các quá trình giúp duy trì các tế bào não và kích thích quá trình trao đổi thông tin giữa các tế bào với nhau.

Nhiều người vốn từng có công việc hoạt động trí óc nhưng khi theo đuổi sở thích hoặc học một kỹ năng mới có thể giúp cải thiện trí nhớ hiệu quả tích cực. Đọc, tham gia một câu lạc bộ sách, chơi cờ vua, viết nhật ký, chơi trò chơi ô chữ hoặc ghép hình, tham gia một lớp học năng khiếu, theo đuổi đam mê âm nhạc hoặc nghệ thuật, thiết kế trang trí nhà cửa, sân vườn... sẽ tạo điều kiện xây dựng và bảo tồn các kết nối não bộ. Quá trình liên tục này là một cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên rất hiệu quả. Vì vậy, hãy ưu tiên dành thời gian cho việc học tập suốt đời.

2. Sử dụng tất cả các giác quan

Khi càng sử dụng nhiều giác quan để học điều gì đó, bộ não sẽ càng tham gia vào việc lưu giữ trí nhớ. Trong một nghiên cứu trên người lớn được xem một loạt các hình ảnh trung tính về cảm xúc, mỗi hình ảnh được trình bày cùng với một mùi. Họ không được yêu cầu nhớ những gì họ đã thấy. Sau đó, họ được cho xem một bộ hình ảnh, lần này không có mùi và được yêu cầu cho biết họ đã nhìn thấy cái nào trước đây. Kết quả là họ có khả năng hồi tưởng với tất cả các bức ảnh được ghép nối với mùi tốt hơn, đặc biệt là đối với những bức ảnh liên quan đến mùi dễ chịu. Hình ảnh chụp não chỉ ra rằng vỏ não tại vùng xử lý mùi chính của não hoạt động mạnh mẽ hơn khi nhìn thấy các vật thể ban đầu được kết hợp với mùi, mặc dù mùi không còn nữa và đối tượng không cố gắng nhớ chúng.

Vì vậy, hãy thử thách tất cả các giác quan của bản thân khi làm quen với những điều xa lạ. Ví dụ, cố gắng đoán các thành phần khi ngửi và nếm một món ăn mới của nhà hàng. Hãy thử bộ môn điêu khắc hoặc nặn đồ gốm, để ý cảm giác và mùi của vật liệu đang sử dụng

3. Luôn tin tưởng vào bản thân

 

Những lầm tưởng về quá trình lão hóa có thể góp phần làm cho trí nhớ không được tốt. Những người khi bắt đầu học tập ở độ tuổi trung niên trở lên sẽ có khuynh hướng trí nhớ kém hơn khi phải đối diện với những định kiến lệch lạc về quá trình lão hóa sẽ gây suy giảm trí nhớ. Trái lại, người lớn tuổi hoặc người hay quên sẽ có thể ghi nhớ tốt hơn khi tin tưởng vào các thông điệp tích cực về bảo tồn trí nhớ.

Tương tự như vậy, những người cho rằng bản thân nếu không kiểm soát được chức năng ghi nhớ của mình thì sẽ ít có khả năng duy trì hoặc cải thiện các kỹ năng ghi nhớ. Đây chính là lý do vì sao cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên phải đặt trên điều kiện tiên quyết là lòng tin. Khi tin rằng mình có thể cải thiện trí nhớ và chuyển niềm tin đó vào thực tế, bản thân sẽ có thể giữ cho đầu óc mình nhạy bén và sáng suốt hơn.

4. Tiết kiệm tối đa việc sử dụng bộ não của mình

 

Nếu không cần phải sử dụng năng lượng trí óc để ghi nhớ nơi đã đặt chìa khóa hoặc thời gian tổ chức tiệc sinh nhật của người đồng nghiệp, người có chứng hay quên sẽ có thể tập trung học tập, ghi nhớ những điều mới mẻ, cần thiết và quan trọng hơn.

Vì thế, một cách cải thiện trí nhớ là cần phải biết tận dụng lịch và kế hoạch, bản đồ, danh sách mua sắm, thư mục tệp và sổ địa chỉ..., nói chung là mọi công cụ để giữ giúp những thông tin thường ngày có thể truy cập được bất cứ lúc nào. Trong nhà, cần tổ chức trật tự, ngăn nắp, chỉ định một nơi cất giữ kính, ví, chìa khóa và các vật dụng khác thường sử dụng. Tránh để lộn xộn các vật dụng trong nhà, trên bàn làm việc, văn phòng để giảm thiểu sự phân tâm, từ đó mới có thể tập trung vào thông tin muốn ghi nhớ tốt hơn.

5. Thường xuyên lặp lại những gì muốn nhớ

 

Khi muốn ghi nhớ điều gì đó vừa nghe, vừa đọc hoặc nghĩ về, hãy lặp lại thành tiếng hoặc viết ra giấy. Đây là cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên rất hiệu quả, giúp củng cố bộ nhớ hoặc kết nối liên tục.

Hơn nữa, sự lặp lại có hiệu quả nhất khi được thực hiện như một quá trình học tập có tổ chức. Tốt nhất là không nên ép buộc bản thân lặp lại điều gì đó quá nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, như thể đang nhồi nhét kiến thức cho một kỳ thi rồi sẽ nhanh chóng quên mất. Thay vào đó, hãy nghiên cứu lại những điều cần thiết sau khoảng thời gian ngày càng dài - mỗi giờ một lần, sau đó vài giờ một lần, rồi hàng ngày. Việc giãn ra các khoảng thời gian nghiên cứu đặc biệt có giá trị khi đang cố gắng nắm vững thông tin phức tạp, chi tiết. Nghiên cứu cho thấy rằng các buổi tập cách biệt giúp cải thiện khả năng ghi nhớ không chỉ ở những người khỏe mạnh mà còn ở những người có một số vấn đề về nhận thức thực thể, chẳng hạn như bệnh nhân đa xơ cứng.

Tóm lại, mọi người đều có thể thỉnh thoảng quên mất những điều quan trọng cần nhớ. Tuy nhiên, chứng hay quên là hoàn toàn có thể khắc phục nếu áp dụng những biện pháp phù hợp. Theo đó, các cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên trên đây mặc dù không đảm bảo có thể ngăn ngừa mất trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ nhưng có thể hữu ích để giúp cuộc sống thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu cảm thấy chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các hoạt động hàng ngày, đây có thể là bệnh lý nên cần thăm khám sớm, tìm nguyên nhân và điều trị sẽ phụ thuộc vào những tổn thương góp phần làm suy giảm mất trí nhớ.

 

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (888 lượt)

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!