Bản án về tranh chấp hợp đồng ủy quyền

Hiện nay, việc ủy quyền và tranh chấp liên quan đến hợp đồng ủy quyền diễn ra rất phổ biến. Để giúp quý khách hàng có cái nhìn thực tế và khách quan hơn về tranh chấp hợp đồng ủy quyền, Luật ACC xin gửi đến quý bạn đọc bài viết về Bản án về tranh chấp hợp đồng uỷ quyền.

1. Bản án số 87/2022/DS-ST ngày 23/8/2022 của TAND quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội

Cơ sở pháp lý:

  • Căn cứ Điều 5; khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 70; Điều 71; Điều 72; Điều 73;khoản 1 Điều 146; khoản 1 Điều 228; khoản 2 Điều 229; Điều 266; Điều 271; Điều 273; Điều 278; Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  • Căn cứ Điều 274; khoản 1 Điều 275; Điều 278; khoản 1 Điều 281; Điều 385; khoản 5 Điều 422; Điều 562; Điều 563; Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tình huống

Vợ chồng bà T có một thửa đất đã lâu không sử dụng nên bị lấn chiếm. Vợ chồng bà T ủy quyền cho ông M tiến hành các thủ tục để giải phóng mặt bằng, xác định mốc giới và xây tường bao quanh. Việc ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền có thời hạn cho đến khi công việc hoàn thành. Hợp đồng giao khoán có thời hạn hoàn thành công việc trong 4 tháng với mức thù lao là 1,5 tỷ đồng. Sau đó vợ chồng bà T có ứng cho ông M số tiền là 300 triệu đồng.

Sau 4 tháng, ông M chỉ tiến hành được việc một số công việc. Ông T cũng đã ký hợp đồng đặt cọc để tiến hành giải phóng mặt bằng xây tường bao quanh với Công ty xây dựng T. Trong thời gian đó, bà T thông báo với ông M rằng đã bán được thửa đất và chủ mới sẽ tiếp tục hợp đồng với ông M. Sau đó, chủ mới không thực hiện tiếp dẫn đến việc ông M bị mất tiền cọc. Ông M khởi kiện yêu cầu TAND Quận Hai Bà Trưng tuyên:

  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà T và chủ mới vô hiệu do chưa giải quyết xong quyền lợi của bên thứ ba.
  • Hợp đồng ủy quyền còn hiệu lực và các bên phải thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp vợ chồng bà T muốn chấm dứt thì phải trả ông M 700 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đã ứng trước và 400 triệu vợ chồng bà T phải trả thêm.

Hướng giải quyết:

Tòa án nhận định:

  • Trong Điều 1 của Hợp đồng giao khoán xác định để thực hiện hợp đồng thì vợ chồng bà T sẽ ủy quyền cho ông M thực hiện công việc, văn bản ủy quyền là một bộ phận không thể tách rời khỏi Hợp đồng giao khoán. Do vậy, khi Hợp đồng giao khoán hết hiệu lực (sau 4 tháng) thì văn bản ủy quyền đương nhiên hết hiệu lực.
  • Theo công việc giao khoán thì ông M tuy chưa thực hiện hết công việc nhưng đã có tiến hành thực hiện công việc như: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để cấp sổ cho thửa đất, lập hồ sơ kỹ thuật, đo vẽ cho thửa đất,… Ngoài ra, ông M có yêu cầu vợ chồng bà T chịu trách nhiệm về hợp đồng đặt cọc với công ty xây dựng T nhưng ông M không có chứng chứng chứng minh về việc đặt cọc nhằm thực hiện công việc giao khoán.
  • Hợp đồng ủy quyền không có mức thù lao. Ông M chỉ thực hiện được một số công việc trong hợp đồng giao khoán.

Tòa án quyết định:

  • Chấp nhận một phần yêu cầu của ông M; ông M được giữ lại 100 triệu đồng tiền mà vợ chồng bà T ứng trước đó làm chi phí hoàn thành một số công việc giao khoán. Ông M có nghĩa vụ hoàn trả cho vợ chồng bà T 200 triệu đồng đã ứng trước đó.
  • Không chấp yêu cầu tiếp tục hợp đồng ủy quyền của ông M.
  • Không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng bà T.

2. Bản án 174/2021/DS-PT ngày 19/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

Cơ sở pháp lý:

  • Điều 122 Bộ luật dân sự 2015;
  • Khoản 3 Điều 148; khoản 3 Điều 308; Điều 310; Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Tình huống:

Ngày 09/10/2019, ông  T và bà  H ký giấy vay tiền, nội dung bà H cho ông T vay số tiền 1,127 tỷ đồng, không thỏa thuận lãi suất. Ông T hẹn đến ngày 09/11/2019 sẽ hoàn trả lại cho bà H. Để làm tin cùng ngày 09/10/2019, ông T và bà Ng (vợ ông T) ký hợp đồng ủy quyền căn nhà SV-08 cho bà H. Khi nào ông T trả lại số tiền vay thì bà H ký hủy hợp đồng ủy quyền với ông T. Ngày 12/5/2020, bà Trần Thị H tự ý chuyển nhượng căn nhà nêu trên cho bên thứ 3 là ông Trần Văn A1.

Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án:

  • Hủy hợp đồng ủy quyền giữa ông Phạm Ngọc T, bà Lại Thị Ng với bà Trần Thị H.
  • Hủy hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa bà Trần Thị H với ông Trần Văn A1 đối với căn nhà SV-08. Yêu cầu bà Trần Thị H trả lại cho ông Phạm Ngọc T và bà Lại Thị Ng hồ sơ căn nhà lô số SV-08.
  • Ông Phạm Ngọc T đồng ý trả lại cho bà H số tiền 1.127.000.000 đồng đã vay, lãi theo quy định và các chi phí phát sinh do thực hiện nội dung hợp đồng ủy quyền.

Bà H cho rằng đến ngày 09/11/2019 ông T không có tiền trả cho bà H nên ông T đề nghị sang nhượng lại cho bà H căn nhà SV-08 với giá 2.707.950.000 đồng; bà H đã thanh toán tiếp số tiền còn lại là 1.580.950.000 đồng. Tổng cộng bà H đã giao cho ông T số tiền 2.707.950.000 đồng. Sau khi giao tiền xong thì các bên đồng ý không hủy hợp đồng ủy quyền ngày 09/10/2019.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 81/2020/DS-ST ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương thì Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu của ông T. Bản án bị bà H kháng cáo toàn bộ và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.

Hướng giải quyết:

Tòa án nhận định:

  • Hợp đồng ủy quyền được các bên thừa nhận là dùng để đảm bảo cho việc trả nợ, do vậy hợp đồng này là hợp đồng giả tạo. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng này vô hiệu là chính xác nhưng lại chưa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là chưa triệt để.
  • Bà H cho rằng bà thanh toán thêm cho ông T 1.580.950.000 đồng để ông T không hủy hợp đồng ủy quyền và sau đó bán căn nhà cho ông A1 nhưng không có chứng cứ chứng minh.
  • Ông T cho rằng mình đã trả lãi cho bà H nhưng không có căn cứ chứng minh.
  • Trong Giấy vay tiền ngày 09/10/2019 có dấu vân tay của bà Ng và ông T, có chữ ký, dấu vân tay của bà H nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc ông T có nghĩa vụ thanh toán cho bà H mà chưa làm rõ trách nhiệm liên đới của bà Ng là chưa đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào trình bày của đương sự mà không xem xét đến chứng cứ Giấy vay tiền để xác định có trách nhiệm liên đới hay không là đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chưa toàn diện.

Tòa án quyết định: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 81/2020/DS-ST ngày 25 tháng 12 năm 2020 để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

3. Bản án 64/2021/DS-GĐT ngày 16/3/2021 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cơ sở pháp lý:

  • Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015;
  • Điều 337, Điều 343 và Điều 344 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Tình huống:

Sau khi bà L ly hôn, bà và cháu Đ được đồng sở hữu căn nhà tại số N60/6. Bà L nghe lời ông V để lập dự án nhà trẻ vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bà L ủy quyền cho ông V được quyền thay mặt bà cho thuê, cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng để vay vốn ngân hàng 2 tỷ đồng. Ông V không thực hiện theo đúng nội dung ủy quyền mà lừa dối, lẩn tránh bà L. Sau đó, ông V bán căn nhà số N60/6 cho ông M, ông T với mức giá 1,3 tỷ đồng.

Bà L khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa bà với  ông Lê Khả V. Vì Hợp đồng mua bán nhà đất được ký kết từ hành vi cố ý sử dụng hợp đồng ủy quyền sai mục đích của ông V nhằm chiếm đoạt tiền của ông M và ông  T nên ông V và ông T, ông M tự giải quyết hậu quả, bà không có liên quan.

Sau đó ông T chết những người thừa kế không có ý kiến. Ông M và ông T có yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa án cho tiếp tục hợp đồng.

Tòa cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà L, tuyên hủy hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông V, hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông V và ông M, ông T.

Sau đó, ông M và ông T kháng cáo. Tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Bà L có đơn yêu cầu kháng nghị Bản án phúc thẩm và được Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM kháng nghị.

Hướng giải quyết:

Nhận định của Tòa án:

  • Ông V được bà L ủy quyền để vay ngân hàng 2 tỷ đồng nhưng đã không thực hiện đúng mục đích ủy quyền mà tự ý bán căn nhà của bà L.
  • Ông T và ông M mua nhà của bà L với mức thấp hơn thị trường rất nhiều, lời khai của các người đại diện theo ủy quyền mâu thuẫn.
  • Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết chấp nhận yêu cầu của bà L là có cơ sở.

Tòa án quyết định: Chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Bản án về tranh chấp hợp đồng ủy quyền do Luật ACC cung cấp. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc còn có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website hoặc Hotline để được hỗ trợ giải đáp.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (588 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo